Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Người Việt Nam 'chết dần, chết mòn' vì môi trường


September 30, 2016

Giao thông được xác định là một trong những tác nhân khiến hàm lượng nitrite ở Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long vượt ngưỡng an toàn. (Hình: TBKTSG)
 Đó là điều được thể hiện trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn từ 2011 đến 2015 do Bộ Tài Nguyên – Môi Trường của Việt Nam thực hiện và công bố hồi cuối tuần này.
Theo báo cáo vừa kể thì nồng độ nitrite trong không khí tại một số thành phố của Việt Nam như: Sài Gòn, Hà Nội và Hạ Long đều đã vượt qua ngưỡng an toàn.
Nitrite với hàm lượng cao có thể tương tác với các amine trong cơ thể và trở thành nitrosamine – loại hợp chất dẫn tới tiền ung thư. Chưa kể nếu hàm lượng nitrosamine trong không khí luôn luôn vượt qua ngưỡng an toàn, cơ thể sẽ không kịp đào thải hết và gan sẽ bị nhiễm độc.Nitrite sẽ oxy hóa huyết sắc tố trong hồng cầu khiến người ta xanh xao, đáng lưu ý là nitrite đang đe dọa tính mạng của những đứa trẻ dưới sáu tháng tuổi. Nồng độ nitrite trong không khí cao quá mức cho phép cũng là nguyên nhân chính khiến người ta cảm thấy khó thở, dễ choáng, dễ ngất.
Theo Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Việt Nam thì sở dĩ nồng độ nitrite trong không khí tại Sài Gòn, Hà Nội vượt ngưỡng an toàn là vì lượng khói thải quá mức từ hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp. Tình trạng vừa kể xảy ra tại Hạ Long là do hoạt động khai thác than và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Chẳng riêng Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long, các dạng ô nhiễm tại Việt Nam đang gia tăng cả về mức độ lẫn phạm vi.
Ông Hoàng Dương Tùng, tổng cục phó Tổng Cục Môi Trường, thuộc Bộ Tài Nguyên – Môi Trường của Việt Nam, tiết lộ tuy chất lượng không khí tại khu vực nông thôn còn khá tốt nhưng ô nhiễm đất, nước do sử dụng thái quá phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật đang gia tăng. Chất lượng không khí cũng suy giảm vì những độc chất từ phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật được phát tán vào không khí.
Ngoài những vùng thuần nông, môi trường nông thôn Việt Nam giờ cũng không còn an toàn vì hoạt động của các khu công nghiệp, các làng nghề (những làng cùng sản xuất một loại sản phẩm nào đó). Ô nhiễm độc khí, bụi, mùi, tiếng ồn,… đã trở thành phổ biến. Đặc biệt tại các làng nghề nơi dân chúng chỉ sử dụng các loại công nghệ, thiết bị đã lạc hậu, cũ kỹ và hoàn toàn không quan tâm đến việc xử lý khói thải, chất thải.
Cũng theo lời ông Tùng thì độc khí chỉ là một khía cạnh của ô nhiễm không khi tại Việt Nam. Chất lượng không khí tại những khu vực quanh các khu công nghiệp đang suy giảm trầm trọng do ô nhiễm bụi. Ở nhiều nơi, ô nhiễm bụi đã vượt ngưỡng an toàn.
Tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp ở miền Bắc được xác định là trầm trọng hơn ở miền Nam. Bộ Tài Nguyên – Môi Trường Việt Nam giải thích có thể vì miền Bắc có nhiều khu công nghiệp cũ hơn, nhiều nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng với quy mô lớn hơn, lượng nhiên liệu hóa thạch được tiêu thụ nhiều hơn…
Thực trạng số người mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ung thư phổi tại Việt Nam càng ngày càng nhiều được cho là hệ quả tất nhiên của vấn nạn ô nhiễm không khí. Song song với ô nhiễm không khí song hành với ô nhiễm đất, ô nhiễm nước khiến tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính và nan y cùng tăng không dừng. (G.Đ)
http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/moi-truong-chet-dan-chet-mon

Vụ Formosa: Bồi thường thiệt hại 1 tháng chỉ tương đương 1-2 ngày thu nhập



Vụ Formosa: Bồi thường thiệt hại 1 tháng chỉ tương đương 1-2 ngày thu nhập



(NGUỒN VOA)  
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hôm 29/9 ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của ‘sự cố môi trường’ Formosa, nhưng một số người dân địa phương nói mức bồi thường hoàn toàn không hợp lý.


Hàng ngàn người biểu tình phản đối Formosa tại Hà Tĩnh, ngày 01 tháng 09 năm 2016.
Hàng ngàn người biểu tình phản đối Formosa tại Hà Tĩnh, ngày 01 tháng 09 năm 2016.

Theo quy định vừa được công bố, người dân bị thiệt hại sẽ được chia làm 7 nhóm đối tượng: khai thác hải sản, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất muối, hoạt động kinh doanh thủy hải sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch-thương mại ven biển, và thu mua-tạm trữ thủy sản.
Anh Hường, một người làm nghề biển đã bị mất việc sau thảm họa Formosa tại Hà Tĩnh, nói chắc chắn anh và những người dân khác sẽ không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại vừa công bố. Anh nói mức bồi thường quy định cho một tháng mà Thủ tướng chính phủ ban hành chỉ tương đương với mức thu nhập 1-2 ngày của người dân trước đó.Đáng chú ý là mức bồi thường cho chủ tàu/thuyền không lắp máy là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng, bồi thường cho người lao động trên tàu/thuyền không lắp máy là 3,69 triệu đồng/người/tháng.
“Chắc chắn người dân chưa thỏa thuận được như thế, tại vì lao động ở đây có mức thu nhập cao. Bình thường một lao động có 500.000 – 700.000 đồng/ngày là bèo nhất. Có khi người ta thu nhập 2 – 3 triệu đồng/ngày, còn bình thường cũng 1 triệu đồng/ngày”.
Ngoài ra, thời gian quy định bồi thường tối đa là 6 tháng cũng bị cho là không hợp lý. Lý do, theo anh Hường, là vì khoảng thời gian trên không đảm bảo được nước biển đã sạch trở lại và người dân có thể quay trở lại công việc.
“Khi nào biển sạch? Thời gian bao lâu? Nhà nước quy hoạch là bây giờ đền cho người dân 6 tháng thì tất nhiên người ta sẽ không chấp nhận được. Đợt bọn em làm hồ sơ kiện [Formosa] gửi tòa án, bọn em đòi hỏi ít nhất là phải 5 năm”.
Linh mục Đặng Hữu Nam, người đã cùng với hơn 500 người dân bị thiệt hại vừa làm đơn khởi kiện Formosa, viện dẫn một nguồn tin khoa học nói thiệt hại môi trường do Formosa gây ra đối với vùng biển miền Trung Việt Nam phải mất 50 – 70 năm mới khôi phục được. Trong thời gian này, người dân địa phương không thể sống “với biển” và “nhờ biển” được. Ông cho biết thêm:
“Được chi trả đi chăng nữa, chúng tôi cũng không chấp nhận. Vì sao chúng tôi kiện Formosa? Chúng tôi không phải chỉ kêu gọi buộc Formosa phải đền bù thỏa đáng cho người dân mà thôi, mà chúng tôi còn buộc Formosa phải đóng cửa”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định rằng dù những thiệt hại do Formosa gây ra chưa được thống kê đầy đủ và toàn diện, nhưng có thể thấy một số thiệt hại ở mức vĩ mô đang diễn ra.
“Sau khi có hiện tượng ô nhiễm cá chết của Formosa, chính quyền Hoa Kỳ đã hạn chế toàn bộ việc nhập khẩu thủy sản của Việt Nam và kiểm soát rất gắt gao. Thậm chí bây giờ có quy định là những cá nhân nhập cảnh vào Hoa Kỳ hoàn toàn không được mang các sản phẩm thủy sản xưa, truyền thống của Việt Nam như tôm khô, cá mực khô… Điều đó bây giờ là hạn chế”.
Mặt khác, theo TS. Lê Đăng Doanh, những sản phẩm bị ô nhiễm hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo ông, dù Bộ Y tế đã công bố các loại hải sản an toàn và không an toàn, nhưng nếu hải sản không an toàn đánh bắt được lại đem đi phân phối ở những nơi khác sẽ gây ra những tác động lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung. Ngoài ra, những tác động về môi trường hiện chưa được đánh giá đầy đủ tại địa phương và ở những khu vực mà các chất gây ô nhiễm theo dòng hải lưu chuyển đến.
TS. Lê Đăng Doanh nói việc đòi hỏi Formosa phải thay đổi phương pháp sản xuất cũng là một vấn đề quan trọng để đáp ứng những đòi hỏi về an toàn môi trường trong tương lai.
“Formosa đã làm không đúng thiết kế sản xuất than cốc theo phương pháp khô, tức là phải được làm nguội bằng khí Nitơ. Hiện nay Formosa đang sản xuất than cốc theo phương pháp ướt, tức là bằng nước và như vậy sẽ bị ô nhiễm. Muốn thay đổi thiết kế, Formosa phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ. Cho đến nay, tôi chưa được thông tin đầy đủ về việc Formosa có thay đổi thiết kế đó hay không và phía Việt Nam có cương quyết đòi hỏi Formosa phải thực hiện đúng thiết kế mà Việt Nam đã yêu cầu hay không”.
Trước đó, chính phủ Việt Nam sau khi làm việc với công ty Formosa đã đồng ý mức nhận mức bồi thường thiệt hại là 500 triệu đôla. Nhưng khoản tiền bồi thường trên đã bị chỉ trích là quá thấp so với những thiệt hại trên thực tế của người dân cũng như những tác động lên nền kinh tế và môi trường.
Báo cáo của Tổng cục thống kê Việt Nam hôm 29/9 cho biết có đến gần 25.000 người dân mất việc sau sự cố Formosa. Trong khi đó, báo VnEpress trích dẫn một báo cáo của chính phủ Việt Nam hồi tháng 7 cho biết thảm họa môi trường Formosa đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200.000 người, trong đó có khoảng 41.000 ngư dân.
http://baotreonline.com/vu-formosa-boi-thuong-thiet-hai-1-thang-chi-tuong-duong-1-2-ngay-thu-nhap/
(NGUỒN VOA)

Nhà cầm quyền ‘thay Formosa’ đền dân quá thấp

Nhà cầm quyền ‘thay Formosa’ đền dân quá thấp

Dân Nghệ An đi kiện công ty Formosa đòi bồi thường thiệt hại.
HÀ TĨNH  – Nhà cầm quyền CSVN loan báo sẽ chỉ bồi thường cho bảy loại “nạn nhân” của thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra với mức rất thấp so với sự thiệt hại của người dân.
Hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Chín, 2016, chế độ Hà Nội loan báo những nạn nhân được bồi thường là “bảy nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gồm: 1- Khai thác hải sản; 2- Nuôi trồng thủy sản; 3- Sản xuất muối; 4- Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; 5- Dịch vụ hậu cần nghề cá; 6- Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; 7- Thu mua, tạm trữ thủy sản.”
Theo bản tin này, “với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5.83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 10.67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15.2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên thiệt hại do giá thì định mức bồi thường là 37.48 triệu đồng/tàu/tháng…”Bản tin trên trang thông tin chinhphu.vn loan báo như thế và đưa ra “định mức” bồi thường và chỉ giới hạn khoảng thời gian bị thiệt hại “tối đa là sáu tháng, từ Tháng Tư, 2016 đến hết Tháng Chín, 2016.”
Đối với “đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 3.69 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 5.96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ; đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 7.65 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 8.79 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ.”
Với những “Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39.37 triệu đồng/ha/tháng. Thiệt hại nghề muối trả 1 lần. Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2.91 triệu đồng/người/tháng.”
Theo quyết định kể trên “Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.”
Theo nhận xét của Blogger Nguyễn Anh Tuấn, cái “định mức” và “đối tượng” được bồi thường vừa quá thấp vừa thiếu sót mà theo ông “không thể chấp nhận được.” Trong đó, một thí dụ, tài xế tắc xi đưa đón khách du lịch từ phi trường đi chơi biển không còn khách nữa, mất nguồn lợi tức, lại không được bồi thường.
Bản liệt kê thiệt hại từ 15 Tháng Tư đến 15 Tháng Tám, 2016 của ngư dân Nghệ An đi kiện Formosa. (Hình: GNsP)
Bản liệt kê thiệt hại từ 15 Tháng Tư đến 15 Tháng Tám, 2016 của ngư dân Nghệ An đi kiện Formosa. (Hình: GNsP)
“Tất cả những tính toán bồi thường ở trên chỉ được áp dụng cho sáu tháng, kể từ khi thảm họa xảy ra (Tháng Tư) cho đến nay (Tháng Chín). Vậy sau Tháng Chín thì thế nào? Tôm cá đã quay về, ngư dân miền Trung lại tiếp tục ra khơi, thị trường hải sản đã được khơi thông, nhà hàng, khách sạn đã tấp nập trở lại rồi chăng? Chính phủ đang đứng ở đâu để đưa ra phương án này vậy?”, Ông Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân.
Theo ông, “Hôm nay đã bước sang Tháng Mười, hãy về các tỉnh miền Trung để xem, cá vẫn thỉnh thoảng chết dạt biển, ngư dân vẫn nằm bờ, thị trường hải sản vẫn tắc nghẽn, nhà hàng, khách sạn vẫn đìu hiu. Chưa có gì thay đổi đâu.”
Ngày 26 và 27 Tháng Chín, 2016 vừa qua, hơn 600 ngư dân và những nhà bị thiệt hại ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vì biển bị công ty gang thép Formosa đầu độc đã kéo nhau về thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh nộp đơn kiện đòi bồi thường. Dù bị công an tìm mọi cách cản trở nhưng cuối cùng cũng có 506 bộ hồ sơ đã nộp tại tòa án nơi này.
Số tiền mà một trong những lá đơn kiện của ngư dân Nghệ An liệt kê ra chỉ từ giữa Tháng Tư, 2016 đến giữa Tháng Tám, 2016 đã lên đến 435 triệu đồng. Nhưng như bản tin loan báo của nhà cầm quyền trung ương Hà Nội thì ngư dân tỉnh Nghệ An đã bị gạt ra ngoài.
Người ta không biết sẽ có bao nhiêu người được bồi thường, tổng số tiền là bao nhiêu trên tổng số $500 triệu mà nhà cầm quyền CSVN thỏa thuận với Formosa.
(TN)

Trịnh Xuân Thanh đường xa vạn dặm 5.

Trịnh Xuân Thanh đường xa vạn dặm 5.


- Có đi vắng được một tháng không ?

Câu đầu tiên người đàn ông hỏi khi tôi đặt mình xuống ghế đối diện ông. Bây giờ ban đêm ở Berlin trời lạnh. Chúng tôi ngồi bên hiên một quán. Đấy là điều kiện tôi đặt ra khi họ gặp tôi. Nếu điều kiện thì hơi quá, chỉ là yêu cầu để câu chuyện chất lượng tôi cần phải có chỗ hút thuốc lá.

 Người đàn ông đến trước, anh ta chọn chỗ ngồi để phù hợp cho tôi.

Tôi lấy những gì ở bên Budapes đưa để ông ta chuyển lại cho Thanh.

Ông ta trầm tư hơn lần gặp trước, tôi định hỏi ông về nước hay đi đâu thời gian qua. Nhưng nghĩ tò mò quá tôi thôi.

Tôi hỏi về Thanh ở đâu. Tôi nói có thể gửi cho tôi những tấm hình Thanh ở đó. Tôi rất muốn được ông khẳng định Thanh an toàn với cái lệnh truy nã quốc tế kia. Tôi bảo nếu không bảo đảm an toàn được thì đừng nói gì hay làm gì tốt hơn. Cứ lặng lẽ ẩn đâu mà sống.

 Người đàn ông lắc đầu cười nhẹ, ông ta nói.

- Ở nơi Thanh ở, không bao giờ có chuyện dẫn độ được về Việt Nam. Chuyện đó không phải bận tâm. Chúng tôi dự tính sắp tới sẽ cho Thanh họp báo, trả lời phỏng vấn công khai.

Tôi hỏi.

- Vậy anh muốn em đi vắng một tháng là đến chỗ Thanh.?

Ông ta gật đầu.

- Như thế tốt hơn, cậu có thể nắm luôn được những gì Thanh kể. Có khi bắt đầu từ trình tự Thanh tham gia làm quan chức thế nào. Cũng cần cho thiên hạ biết một người quan chức cộng sản con đường của họ đi trong đời ra sao. Có nhiều cái, cần người viết lại điều đó.

Tôi nói mình không đi được lâu thế.

Người đàn ông hỏi tôi uống gì, ông ta nói người phục vụ cho tôi một cốc trà mà không cần tôi trả lời. Tôi châm điếu thuốc đầu tiên thì một người dàn ông khác đi vào, anh ta cười bắt tay tôi và ngồi xuống ghế. Có lẽ anh ta đến cùng người trước nhưng tìm chỗ đậu xe, hoặc anh ta đứng đâu đó trong bóng tối bên ngoài để quan sát từ khi tôi vào. Bây giờ anh ta mới vào quán.

 Tôi nói chuyện của Thanh bây giờ dư luận cũng chả để ý,  chỉ có chuyện Thăng là đang xôn xao. Chắc vì Thanh không bắt dược, nên Trọng tức mà muốn đánh Thăng luôn. Người đàn ông già mặc vét nói.

- Thăng nó chả sao đâu, nó còn nhiều anh em bên công an. Cái thời nó làm dầu khí thì chỉ là tổng công ty. Lúc đó còn bộ trưởng , thủ tướng, chủ rich nước. Đâu phải chỉ mình nó.

Tôi hỏi.

- Thế còn vụ Venezuela.?

Ông ta điềm đạm trả lời.

- Cái đó là do ông Triết, ông Triết đi sang đó, nhận nhau làm anh em với thằng Hugo. Lúc đó ông Triết đi loăng quăng bên Cu Ba, Venezuela..vì chỉ mấy nước đó nó tiếp ông chứ bọn khác xin nó có tiếp đâu. Rồi ông ấy nhận lời làm ăn, gọi cho thằng Thăng. Bảo thằng Thăng lập dự án rồi để bộ chính trị phê duyệt từ thủ tướng, chủ tịch nước, tổng bí thư, bộ trưởng , quôc hội cả một đống hoắng lên về tình anh em CNXH mà đồng ý tuốt. Lúc chính trị bên ấy biến động, giá dầu rớt thảm hại thì thành ôm mồm như bây giờ. Đâu phải thằng Thăng nó tự ý bê tiền đi.

 Tôi hỏi thêm lúc ông ta ngừng.

- Thế số liệu mà Huy Đức nói ở đâu ra.?

Người đàn ông cười nhếch mép.

- Đấy là bản cáo PVN từ năm 2013, Huy Đức nó chộp cái đó. Còn sửa số đi. Chứ có cái gì mà ghê đâu. Dân chuyên ngành người ta biết cả.

Tôi hỏi.

- Anh có thể cho tôi được bản đó không.?

Người đàn ông gật đầu.

- Được tôi sẽ tìm.

Tôi hỏi.

- Còn chuyện này, hồi đại hội. Huy Đức có nói với tôi là lúc bàn ở BCT. Ông Dũng được 1 phiếu, ông Trọng được 6 phiếu, ông Sang được 5 phiếu. Thế có đúng không anh.?

Người đàn ông phẩy tay.

- Đúng là linh tinh, ông Trọng được 7 phiếu, ông Dũng được 6 phiếu. Ông Sang có 2 phiếu thôi. Chuyện qua rồi, để lúc nào rảnh nói lại chuyện này.

Được đà tôi hỏi lan man.

- Vậy vụ Núi Pháo thanh tra, có liên quan gì đến Phượng nhà ông Dũng không.?

- Chả liên quan gì, cái đó của bọn Masan. Phượng nó không có gì ở đó cả. Thôi, chuyện không liên quan đến việc anh em mình đang bàn,  để khi nào rảnh đã.

 Người đàn ông ngừng lại, chắc để cho tôi dứt khỏi những hỏi han miêm man từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia. Một lúc ông ta nói.

-Bố mẹ Thanh và hai đứa con ở nhà, đang gặp nhiều khó khăn. Bọn Trọng nó cho công an quấy nhiễu này nọ. Ông bà đang tức, muốn tìm luật sư. Theo cậu ở Hà Nội thì ai làm được việc đó. Thêm nữa là việc nhờ luật sư Trần Vũ Hải và Lê Công Định thế nào tiếp.?

Tôi trả lời.

- Luật ở Việt Nam anh biết rồi đó, cơ quan công an điều tra có kết luận, chuyển cho viện kiểm sát. Viện ra đưa bản truy tố ra toà. Lúc đó luât sư xin toà cấp giấy giới thiệu, luật sư mới tiếp cận hồ sơ. Về ông Hải thì phải đợi dài dài là Thanh bị bắt, Thanh ra toà...mà chuyện đó thì giờ vời vợi lắm. Trước mắt em nghĩ nên chuyển hồ sơ theo những gì mà bản truy nã nói. Để ông Định bào chữa trên mạng thì tốt hơn. Gọi như bình luận pháp luật chẳng hạn. Còn chuyện quấy nhiễu kia thì ông bà có thể nhờ luật sư khởi kiện những người làm chuyện đó.

 Người đàn ông nói.

- Sắp tới chúng tôi sẽ đưa Thanh ra trả lời báo chí, để đáp trả cái vụ truy nã quốc tế kia. Nhiều người không hiểu luật pháp ở các nước khác. Cứ nghĩ có truy nã quốc tế là cảnh sát các nước đi tìm bắt về cho Việt Nam ngay đến nơi. Nhưng chuyện hôm nay tôi muốn nói là ở những vụ án kinh tế vừa qua thất thoát, thua lỗ có nhiều người liên quan. Cả những người hiện nay đang ở trong Bộ Chính Trị cũng có trách nhiệm chính. Đổ lên đầu thằng Thanh cả 3000 nghìn tỷ thua lỗ ấy rồi bảo nó tham nhũng trong đó là không công bằng.  Nếu thế phải đưa những người khác có liên quan ra cùng. Ý của cậu thế nào. Chúng tôi vẫn muốn cậu là kênh phát ngôn như trước.

Tôi dáp.

- Cái này cho em nghĩ đã, chứ cường độ liên tục ngày một bài, rồi cả đống hồ sơ, tài liệu toàn con số, ngày tháng, các công văn, bản bản...số này, số kia nhức đầu lắm.  Cuối tuần này em đi chơi xa mấy ngày. Sang tuần có gì em sẽ báo lại cho anh.

  Chúng tôi đứng dậy chào nhau, đồng hồ đã 1 giờ đêm. Hai người đàn ông tiễn tôi đến lúc tôi lên tàu.

http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2016/09/trinh-xuan-thanh-uong-xa-van-dam-5.html

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Luật sư: Khả năng ngư dân thắng kiện Formosa là 100%

Luật sư: Khả năng ngư dân thắng kiện Formosa là 100%

    26.09.2016
    Ngư dân miền Trung tụ tập trước trụ sở Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, 26/9/2016. (Ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo)
    Ngư dân miền Trung tụ tập trước trụ sở Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, 26/9/2016. (Ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo)
    Nhà máy đặt ở Hà Tĩnh của hãng Formosa Đài Loan đang đối mặt với một trận chiến pháp lý lớn. Hôm 26/9, 600 ngư dân ở tỉnh Nghệ An đã đến một tòa án cấp thị xã của tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện nhà máy của Formosa vì đã gây ra thảm họa môi trường biển hồi tháng 4 năm nay.
    Vụ xả chất thải trái phép của Formosa khi đó đã gây ra nạn cá chết hàng loạt, đồng thời gần như làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp và du lịch của 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên-Huế.
    Lúc 5 giờ chiều, giờ địa phương, từ Kỳ Anh, nhà hoạt động dân chủ Chu Mạnh Sơn tường thuật với VOA Việt Ngữ về cuộc khởi kiện của các ngư dân bị ảnh hưởng:
    “Lúc 3 giờ 20, Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam cùng một số đại diện bà con ở thị xã Quỳnh Lưu đã vào làm việc trực tiếp với Chánh án Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh để rồi hai bên làm thủ tục nhận đơn người dân khiếu kiện Formosa. Và bây giờ thì quá trình nhận đơn đang diễn ra”.
    Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, Quản xứ Giáo xứ Phú Yên, Nghệ An, trong nhiều tháng qua đã tổ chức nhiều buổi cầu nguyện và biểu tình ôn hòa để các giáo dân cũng là ngư dân bày tỏ sự bất bình về thảm họa do Formosa gây ra và đòi đóng cửa nhà máy của hãng.
    Về cuộc khởi kiện hiện nay, vị linh mục cho biết có hai nhóm luật sư trợ giúp pháp lý cho các ngư dân. Vào thời điểm VOA liên lạc, linh mục vẫn đang làm việc với phía tòa án thị xã nên ngài chỉ nói ngắn gọn về kỳ vọng của ngài và của các ngư dân về vụ kiện:
    “Trước mắt nếu chúng ta xét theo cơ sở pháp lý thì chúng ta phải là khởi kiện sẽ là thắng”.
    Nhận định về tương lai vụ kiện, Luật sư Võ An Đôn, người thường bảo vệ cho quyền lợi của những người yếu thế trong nhiều vụ kiện tụng hoặc xét xử, nói với VOA:
    “Nếu bà con ở Nghệ An, Hà Tĩnh khởi kiện Formosa mà có đầy đủ bằng chứng cho rằng nguyên nhân thiệt hại là do Formosa gây ra thì việc này thắng kiện là 100% nắm trong tay bởi vì vụ kiện này rất là đơn giản. Người gây ra thiệt hại là công ty Formosa đã đồng ý chịu bồi thường với số tiền là 500 triệu đôla, thì theo luật chỉ cần người thiệt hại chứng minh về thiệt hại của mình do Formosa gây ra thì đương nhiên bồi thường, thì theo luật 100% là thắng”.
    Tuy nhiên vị luật sư nhấn mạnh đó là khả năng chiến thắng trên lý thuyết. Ông cảnh báo rằng trên thực tế, khi nhận một số lượng đơn khởi kiện của hàng trăm người, “bên chính quyền sẽ gây khó khăn” bằng cách “không thụ lý” đơn hoặc “viện lý do này, lý do khác” để không thụ lý đơn khởi kiện.
    Trong trường hợp Tòa án Thị xã Kỳ Anh làm như vậy, Luật sư Đôn tư vấn rằng những ngư dân hoặc người bị ảnh hưởng có thể nộp đơn lên tòa án tối cao hoặc viện kiểm sát cấp tỉnh của địa phương đó.
    Để đi đến tòa án ở Kỳ Anh, 600 ngư dân Quỳnh Lưu đã vượt qua quãng đường khoảng 200 kilomet mà khởi đầu chuyến đi họ đã gặp cản trở từ lực lượng công an, an ninh. Nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho hay ban đầu các ngư dân thuê 20 xe khách để đi, song do sự can thiệp và dọa dẫm từ “công an huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu”, nên chỉ có 15 xe đưa họ đi.
    Theo nhà hoạt động, mặc dù có những ngăn cản, sách nhiễu, đe dọa cũng như cách hành động theo dõi, ghi hình của công an và an ninh mặc thường phục, 600 ngư dân đã đến được tòa án. Tại đó, họ đã được tiếp sức, động viên bởi 500 ngư dân của các giáo xứ Quý Hòa và Đông Yên.
    Anh Sơn cho biết các ngư dân khẳng định sẽ kiên quyết tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi, yêu cầu Formosa đền bù thiệt hại, và yêu cầu chính quyền “đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam” để có “một tương lai sáng” cho con cháu họ không phải gánh chịu các thảm họa hay hậu quả của thảm họa

    Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

    Vạch tên “bộ phận không nhỏ”

    Vạch tên “bộ phận không nhỏ”

    16:05 26/09/2016

    Nói “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất nhưng ở các đảng bộ, chi bộ không chỉ tên bộ phận đó là ai, là người nào, thành thử ai cũng nói tình hình vi phạm “không nhỏ” là ai đó chứ không phải mình.

    Nhóm lợi ích quân đội và bi kịch sân bay Tân Sơn Nhất

     Nhóm lợi ích quân đội và bi kịch sân bay Tân Sơn Nhất


    Phạm Chí Dũng
    Người Việt

    Kết quả hình ảnh cho hinh anh Sân bay Tân Sơn Nhất ngập

    “Sân bơi Tân Sơn Nhất”

    Tương tự tình trạng “ngập” của đảng cầm quyền từ năm 2012 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang ở vào thời kỳ bi kịch sắp tới điểm cuối của nó.
    Năm 2016, sân bay này đã chính thức được dân gian đặt tên “sân bơi Tân Sơn Nhất.” Nếu những năm trước sân bay này còn chưa bị ngập sau những trận mưa lớn, thì vào năm nay chỉ sau một trận mưa khoảng 150 mm, Tân Sơn Nhất đã biến thành một biển nước mênh mông.
    Mới đầu, giới lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất còn phủ nhận về tình trạng nước ngập bao la, nhưng sau đó đã phải thừa nhận trước những tấm ảnh mang tính bằng chứng không thể chối cãi.
    Thậm chí một thứ trưởng giao thông vận tải chủ quản của sân bay Tân Sơn Nhất – ông Nguyễn Nhật – còn thừa nhận rằng trong chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM hôm 11 tháng 9, 2016, ông cùng hơn 200 hành khách đã phải bay vòng trên trời hơn 40 phút do trời mưa to do sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng khiến máy bay không thể hạ cánh được.
    Bi kịch đang hiện hình tồi tệ. Có lúc đến 9 chuyến bay phải bay vòng trên trời trong tổng số 670 -750 chuyến bay trong và ngoài nước cất cánh, hạ cánh mỗi ngày. Ai cũng biết nguyên nhân tắc trên trời trước hết là do tắc ở dưới mặt đất.
    Thêm nữa, sân bay này chỉ có 51 vị trí đỗ, trong khi nhu cầu cần khoảng 80 vị trí. Có 2 đường băng nhưng chỉ 1 đường lăn ra vào 2 chiều. Máy bay khi hạ cánh đi vào nhà ga thì máy bay khác phải chờ. Có tình trạng hết vị trí đỗ nên máy bay phải chờ trên đường lăn.
    Tất nhiên, nếu không có sân golf quân đội thì Tân Sơn Nhất sẽ có được 80 vị trí đỗ và thêm một đường băng nữa.
    Quân đội nào?
    Từ sau 1975, sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm diện tích méo mó. Hàng loạt đại gia nhóm lợi ích quân đội đã thẳng tay chiếm đoạt một phần Tân Sơn Nhất để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
    Dù đất trống trong sân bay vẫn còn, nhưng một bàn tay đen đúa nào đó vẫn quyết cắt 157 ha đất vàng trong sân bay cho tập đoàn Him Lam làm sân golf, mặc cho sân bay này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
    Được biết, dự án sân golf trong sân bay bận rộn nhất Việt Nam do tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh làm chủ đầu tư. Tập đoàn nổi tiếng với loạt scandan như: xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác; lọt vào danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34.8 tỷ đồng… Nổi tiếng với những bê bối tày đình như thế nhưng không hiểu sao tập đoàn này vẫn được bảo kê để lập lãnh địa riêng trên 157 ha đất trong sân bay. Thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm đầu độc người dân thành phố bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không bị truy cứu trách nhiệm.
    Cũng phải kể đến một nhân vật có máu mặt khác – Đại Tá Phùng Quang Hải – “chủ” một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
    Sau vụ “tướng Thanh đi Pháp chữa bệnh” vào tháng 6, 2015, và từ đó Phùng Quang Thanh gần như “mất tích” trên bàn cờ chính trị, nghe nói số phận của Đại Tá Phùng Quang Hải cũng không tốt lành hơn. Còn có đồn đoán rằng ông Hải đang phải chịu một chế độ quản thúc nào đó hoặc đã bị bắt.
    Tuy nhiên dù hai ông Thanh và Hải “không còn nữa,” lợi ích nhóm quân sự vẫn là một bí mật kinh khủng và là một thách thức khủng khiếp đối với chính quyền dân sự.
    Chỉ từ tháng 10, 2015 mới bắt đầu những cuộc bàn bạc giữa phía quân sự với đại diện nhà chức trách dân sự về việc dùng đất quân sự để mở rộng Tân Sơn Nhất.
    Một lần nữa, nhu cầu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được “đảng ta” đặt ra một cách đầy quyết liệt, trong bối cảnh dự án sân bay Long Thành còn lâu mới được khởi công do chưa tìm ra “tiền đâu.”
    Chỉ mới đây, trước tình trạng quá tải và hết chỗ thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc Phòng mới chịu “nhả” gần 20 ha để mở rộng sân bay này. Tuy nhiên trong lúc việc bàn thảo còn chưa đâu vào đâu, một liên danh nhà đầu tư gồm tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), công ty dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng Đông Mêkông và công ty cổ phần hạ tầng Đông Á lại đề xuất dự án xây dựng hệ thống đường trên cao kết nối sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) với đường Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) theo hình thức đầu tư PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác) nhằm giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến vốn đầu tư đến 3.500 tỷ đồng.
    Dự án trên về thực chất là nhằm né sân golf của nhóm lợi ích quân đội!
    Tấn bi kịch còn lâu mới chấm dứt
    Ngay lập tức đã xuất hiện hàng loạt ý kiến phản bác dự án trên: Liệu rằng khi xây xong, tình trạng kẹt xe trước ngõ vào sân bay có được giải quyết? Hay lại tăng thêm áp lực cho khu vực này khi không chỉ 3, 4 tuyến đường đổ về cùng lúc mà tận 6,7 tuyến? Liệu rằng khi đề xuất dự án “điên rồ” này, người ta có tính đường giải quyết nút thắt ngay cửa ngõ Tân Sơn Nhất không? Hay chỉ chăm chăm “vẽ” dự án nghìn tỷ “trên trời,” dự án càng nhiều, càng lớn lại càng có lợi?
    Tại sao cứ phải vay hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ để xây mới sân bay quốc tế mà không phải là mở rộng diện tích sử dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất, trả lại quy hoạch đồng bộ ban đầu cho khu vực sân bay, xây thêm các Terminal tại những cửa ngõ khác đi vào sân bay để tăng cường và khai thác hết công năng của Tân Sơn Nhất? Tại sao lại cắt đất sân bay làm sân golf, vừa lấn chiếm diện tích làm đường băng mới, vừa tạo thêm chướng ngại vật cho các phi công trong quá trình hạ cánh sau một chuyến bay dài đầy mệt mỏi và căng thẳng? Tại sao phải giữ dự án sân golf vốn chỉ dành phục vụ vài ông chủ của giới thượng lưu, cổng vào rộng thênh thang không một bóng người, mà không biến nó thành một cửa ngõ vào sân bay quốc tế, vừa giảm tải cho nhà ga sân bay, vừa giảm áp lực tại các cửa ngõ và các tuyến đường đổ về khu vực này?
    Tại sao cứ đổ lỗi cho hệ thống mương cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu khi người ta đã cắt xén và lấp không ít mương trong hệ thống để tạo nên những thảm cỏ sân golf xanh mướt hay bê tông hóa chúng thành những con đường rải nhựa phục vụ cho các ông chủ thỉnh thoảng đến giải trí? Tại sao người ta chỉ đề xuất chi hàng trăm tỷ đồng cho dự án làm kênh thoát nước chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi phần gốc của vấn đề vẫn còn đó? Tại sao không phải là trả lại quy hoạch ban đầu cho sân bay, nâng cấp mương thoát nước vốn cũ kỹ, phục hồi hệ thống thoát nước khổng lồ trong sân bay mà tiếp tục “né” sân golf, đào xới ngang dọc khiến sân bay như một chiếc áo chắp vá cũ nát?
    Tại sao vẫn kiên quyết giữ cái sân golf chỉ chuyên phục vụ giới nhà giàu, rồi lại rút cạn ngân sách, tiền mồ hôi nước mắt của dân để “vẽ” ra những dự án trên trời, chẳng những không giải quyết được mà còn khiến vấn đề thêm trầm trọng?
    Những người quan tâm cũng nêu ra một hướng giải quyết vô cùng đơn giản, ít tốn kém nhưng không hiểu sao các nhà quy hoạch không ai “nhìn ra” hay người ta “thấy” nhưng cố tình né tránh: Tại sao không xây thêm cổng vào từ các tuyến đường Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Sơn (khu vực cổng vào sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất)?
    Chỉ có điều, nếu làm đúng nguyện vọng của dân và trả lại cho sân bay Tân Sơn Nhất về chính nó thì ai sẽ là người dẹp loạn lấn chiếm đất đai sân bay của tập đoàn Him Lam và tổng công ty 319?
    Như người đời bình phẩm, trong tất cả những ông lớn kinh doanh bất động sản, Bộ Quốc Phòng là một “cá mập” vào loại khủng nhất.
    Bi kịch của sân bay Tân Sơn Nhất cũng bởi thế vẫn còn lâu mới chấm dứt!
    http://www.ijavn.org/2016/09/vntb-nhom-loi-ich-quan-oi-va-bi-kich.html