Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Quốc hội nên điều tra, chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Tiến

Quốc hội nên điều tra, chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Tiến

Nếu Bộ trưởng Bộ Y tế không trả lời nghi vấn em chồng của bà có phải là Phó giám đốc đối ngoại của VN Pharma trong thời gian công ty này “thắng thầu” nhiều lô thuốc nhất thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên lập một ủy ban điều tra độc lập, làm rõ điều đó và tìm thêm những dấu hiệu liệu VN Pharma có phải là “sân sau” của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hay không.
Là Bộ trưởng, bà Tiến không chỉ phải đối diện với các cáo buộc pháp lý mà còn phải đối diện với các áp lực chính trị. Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Các vấn đề xã hội nên tổ chức sớm phiên điều trần để nghe báo cáo của Ủy ban điều tra này và quyết định có đưa bà Tiến ra Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Vụ VN Pharma đồng thời cũng cho thấy cần phải bổ sung rất nhiều điều kiện nhằm tránh tối đa khả năng xung đột lợi ích. Ví dụ: Phải cấm bổ nhiệm một người giữ các trọng trách hay đứng đầu một ngành mà trong đó, cả khu vực công lẫn khu vực tư, “nhung nhúc” thân bằng, quyến thuộc.

1. Những câu hỏi sau phiên tòa xử vụ buôn lậu thuốc ung thư

Tâm Lụa
TTO – Vụ án buôn lậu thuốc ung thư “kém chất lượng” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma đã tạm khép lại với mức án dành cho các bị cáo.
Thế nhưng có những câu hỏi, những vấn đề đặt ra trong vụ án kéo dài từ giai đoạn điều tra, truy tố và đến nay đã xét xử xong vẫn chưa được trả lời.
Chính vì vậy, ngay trong bản án ngày hôm qua (25-8), hội đồng xét xử TAND TP. HCM đã phải kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao làm rõ hai vấn đề: Ai là người đã nhận hoa hồng để những lô thuốc kém chất lượng của Công ty VN Pharma được bán trong bệnh viện, được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân?
Trách nhiệm của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) tới đâu trong việc cấp phép nhập khẩu lô thuốc H- Capita chữa ung thư kém chất lượng?
Những ngày qua, hai câu hỏi lớn, nhức nhối nêu trên đều đã được dư luận đặt ra. Kèm theo đó là rất nhiều ý kiến trái chiều về Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trước áp lực của dư luận, Bộ Y tế đã phát đi thông cáo báo chí cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và Bộ trưởng.
Đồng thời Bộ “hứa” sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật và không bao che đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm sau khi bản án vụ VN Pharma được tuyên. Vậy sắp tới, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ thực hiện ra sao lời hứa của mình hay tiếp tục hứa để cho qua?
Chuyện “hoa hồng” và những sai phạm của các cán bộ Cục quản lý Dược không phải đến ngày hôm nay mới được tòa án kiến nghị.
Vụ án tại VN Pharma được phát hiện vào năm 2014. Trong tháng 1-2016, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế để kiến nghị xử lý những sơ sở, thiếu sót trong công tác kinh doanh dược phẩm, xử lý việc chi “hoa hồng” trong vụ án VN Pharma.
Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Y tế vẫn không công khai việc xử lý thiếu sót của cán bộ thuộc thẩm quyền. Hay vì lý do “tế nhị nào đó” mà lãnh đạo Bộ Y tế chưa thể xử lý vụ việc theo kiến nghị của Bộ Công an dù đã hơn một năm trôi qua?
Xin đừng nói rằng lô thuốc H-Capita được phát hiện, niêm phong kịp thời và chưa bán ra thị trường, vì vậy hậu quả chưa xảy ra.
Trước đó Cục quản lý Dược Bộ Y tế đã cấp phép cho nhập khẩu đối với 7 loại thuốc của VN Pharma. Trong đó có nhiều lô thuốc đã được bán ra thị trường.
Tháng 12-2013, sau 1,5 tháng thẩm định, tổ thẩm định của Cục quản lý Dược đã đề nghị duyệt nhập đối với lô thuốc H- Capita trị ung thư mặc dù tên thuốc, thành phần tá dược, hạn dùng và nhiệt độ bảo quản… có những nội dung không thống nhất.
Chỉ đến khi sai phạm với lô thuốc H-Capita bị phát hiện, Cục Quản lý Dược mới rút sổ đăng ký với 7 loại thuốc đã cấp.
Không biết có bao nhiêu bệnh nhân đã uống phải những loại thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc ấy? Và dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi liệu ngoài VN Pharma, Cục Quản lý Dược còn có sai sót trong việc cấp phép cho lô thuốc nào khác, của công ty dược nào khác?
Ngoài ra, với những biên nhận về việc chi 7,5 tỉ đồng tiền hoa hồng, để chi phí cho bác sỹ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc đã được nộp cho cơ quan điều tra.
Với các dữ liệu thông tin này, Bộ Y tế hoàn toàn có thể làm rõ được xem cá nhân, đơn vị nào đã nhận “hoa hồng” từ VN Pharma.
Vậy lãnh đạo Bộ Y tế có tiến hành làm rõ không? Công khai việc xử lý tình trạng nhận “hoa hồng”, xử lý kỷ luật đối với các cán bộ Cục quản lý Dược có sai phạm, chấn chỉnh việc kinh doanh dược phẩm là việc mà Bộ Y tế phải làm ngay lúc này.
Đó cũng là những câu hỏi, những vấn đề mà dư luận và người dân đặt ra để lãnh đạo Bộ Y tế phải trả lời, thực hiện.
T.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét