Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Hòa giải dân tộc: Đã đến lúc người Việt vượt qua chuyện thắng-thua

 

Hòa giải dân tộc: Đã đến lúc người Việt vượt

qua chuyện thắng-thua

VietTimes -- “Đã đến lúc người Việt phải vượt qua chuyện thắng- thua. Đất nước chúng ta đang rất cần một khối đoàn kết toàn dân để đối mặt với những thử thách mới, giải quyết những bài toán mới trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đấy mới chính là cái mà chúng ta cần hướng tới”.
GS TSKH Vũ Minh GiangGS TSKH Vũ Minh Giang
GS TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ với VietTimes nhân dịp 41 năm thống nhất đất nước.
Bài học từ quá khứ
Thưa ông, mỗi khi nhắc đến truyền thống nhân nghĩa của người Việt “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”, “Lấy trí nhân để thay cường bạo”, chúng ta thường quay về với bài học của cha ông. Vậy, vấn đề hòa giải dân tộc được nhìn từ từ quá khứ như thế nào?
- Trước hết cần phải nói rằng Việt Nam chúng ta ở một vị trí địa chính trị khá đặc biệt. Vì vậy, hàng ngàn năm lịch sử đã chứng minh là chúng ta có muốn yên cũng không được. Đây là vùng đất giao thoa, có rất nhiều tác động từ bên ngoài mà chúng ta có muốn tránh cũng không được nên liên tục phải chống ngoại xâm. Không có một triều đại phong kiến phương Bắc nào không đem quân đánh chiếm Việt Nam. Có những triều đại đem binh hùng tướng mạnh đánh Việt Nam đến vài ba lần và cha ông chúng ta luôn phải gồng mình lên để chống lại các thế lực ngoại xâm.Vì vậy, có thể nói rằng, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và xây dựng đất nước luôn là nhiệm vụ song hành gánh trên vai của người Việt.
Đối với mọi dân tộc, việc phải chống giặc ngoài để bảo vệ sự tồn vong của mình đã là vô cùng gian nan, thì đối với dân tộc Việt Nam còn gian nan gấp bội. Bởi vì, từ cổ đến kim, ngoại bang đem quân xâm lược Việt Nam không có thế lực nào yếu, mà toàn những đế chế hùng mạnh. Chúng ta nên nhớ chống Nguyên Mông là sự kiện lịch sử có lẽ là thế giới cũng phải nghiêng mình kính trọng cha ông ta. Trước khi quân Nguyên Mông đến Việt Nam thì chưa có nước nào cản được đội quân hùng mạnh này. Họ đánh từ Địa Trung Hải sang đến Thái Bình Dương, đi đâu cũng san bằng hết, gọi là “vó ngựa quân Mông Cổ thì không ai ngăn cản được”, nhưng đến nước ta 3 lần, Đại Việt đều chiến thắng. Đó là chuyện có một không hai trong lịch sử thế giới.
Vậy tại sao cha ông chúng ta lại có thể chiến thắng kẻ thù mà tương quan lực lượng rất chênh lệch với mình? Chúng ta hãy nghe Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tổng kết rằng,“Thắng được giặc dữ là do trên dưới đồng lòng, anh em đồng thuận, cả nước góp sức”. Đấy là một bài học sáng giá cho thấy, kẻ thù hung hãn đến đâu mà toàn dân tộc thống nhất, đoàn kết thì cũng giành được chiến thắng. Chủ nghĩa yêu nước là thế, đại đoàn kết dân tộc là thế.
Nhưng cũng chính từ cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên chúng ta lại có một bài học thứ hai. Đó là lấy đại nghĩa làm trọng. Chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp. Ngay khi từ phòng tuyến kháng chiến trở về Thăng Long, việc đầu tiên vị Hoàng đế chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc ấy bắt tay vào là đốt toàn bộ những sổ sách ghi chép bằng chứng của những người đã trót phản bội đầu hàng giặc. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” khi mô tả lại sự kiện này đã viết: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”. 
Rồi chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau cách mạng Tháng Tám, Người đã tập hợp được một Chính phủ với nhiều thành phần, giai tầng tham gia. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã rời bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài về tham gia khác chiến.
Đây là những bài học cho chúng ta thấy câu chuyện hòa giải nó quan trong như thế nào. Nó không chỉ là vấn đề của phía “bên này” hay phía “bên kia”mà nó là cốt lõi duy trì khối đoàn kết dân tộc. Nó là sức mạnh nội sinh, là lẽ sống của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Đã đến lúc thôi nói về câu chuyện thắng-thua
Ngay sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã nhận thức rất rõ, tuyên bố rằng một trong những việc đầu tiên phải làm là hòa hợp dân tộc. Hơn 40 năm đã trôi qua câu chuyện về hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn là vấn đề thời sự. Đâu là nguyên nhân, theo giáo sư?
- Có thể nói cuộc chiến tranh diễn ra trên đất Việt Nam hết sức khốc liệt, ghê gớm. Bởi vì sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, thế giới trở thành cục diện đối đầu hai phe mà bằng chứng rõ nhất, nguy hiểm nhất là cuộc chạy đua vũ trang dẫn tới kho vũ khí hạt nhân của hai phe ấy cộng lại có thể làm nổ tung 6 lần trái đất mà chúng ta đang sống. Nó khủng khiếp như thế, nó cạnh tranh nhau dữ dội như thế. Nhưng bất hạnh là ở chỗ cái điểm nóng nhất của mâu thuẫn này lại rơi vào mảnh đất miền Nam Việt Nam.
Ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu được đưa đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Ảnh: Ngọc Đản.
Với cách nhìn nhận như vậy, chúng ta mới thấy hết sự khốc liệt của cuộc chiến tranh này. Nó hủy hoại không chỉ thể xác mà còn hủy hoại ghê gớm tinh thần của dân tộc Việt. Nó chia rẽ giữa những người Việt Nam với nhau, giữa bên “thắng cuộc” và bên “thua cuộc”. Phía nào cũng có cái lý của mình. Phía “bên này” thì cho rằng mình là chính nghĩa, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Phía “bên kia” cũng nói rằng mình là chính nghĩa.
Chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện đó như một thực tế lịch sử. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người nhìn ra vấn đề này khá sớm. Vì thế ông Kiệt mới nói: “Cứ đến 30/4 có hàng triệu người vui, cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi cho rằng ông cũng không phải đưa ra quan điểm cá nhân đâu mà có lẽ ông ấy bắt gặp những ý thức về tầm quan trọng của khối đoàn kết toàn dân mà nó từ ngàn xưa vang vọng lại, rồi từ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta không nói về câu chuyện thắng- thua nữa. Cứ loay hoay chuyện bên này thắng, bên kia thua sẽ không có lời giải. Đã đến lúc người Việt Nam phải vượt qua chuyện thắng- thua, vươn tới một cái cao hơn. Đất nước chúng ta đang rất cần một khối đoàn kết toàn dân để đối mặt với những thử thách mới, để giải quyết những bài toán mới trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đấy mới chính là cái mà chúng ta cần hướng tới.
Không phải là phía “bên này” hay “bên kia” không hiểu được ý nghĩa của khối đại đoàn kết dân tộc, nhưng chiến tranh đã qua 40 năm rồi, thậm chí đã có thế hệ thứ 3 không liên quan gì tới chiến tranh, tới chuyện thắng- thua nữa rồi, nhưng sao câu chuyện thắng- thua cứ dai dẳng mãi như vậy?
- Như tôi đã nói, cuộc chiến tranh này khốc liệt quá. Sự tàn phá của nó trên cả phương diện vật chất, thể xác, lẫn tinh thần sâu sắc quá, lớn quá, nên vết hằn của nó cũng không phải dễ chữa, làm lành. Trong cuộc chiến tranh đó có những gia đình chết không còn ai, có những làng mạc bị thiêu trụi hết. Vì vậy, sự oán hận là khó tránh khỏi và cái oán hận ấy thường được dồn lên phía “bên kia” và có tâm lý là người thắng trận bao giờ cũng muốn trút tất cả những cái gọi là “nợ nần” về mất mát, đau khổ lên đầu những người được coi là thua trận. Ngược lại, phía thua trận cũng có những biện minh cho việc làm của họ. Ví dụ, họ cho rằng đấy là mỗi bên có một cách tiếp cận về vấn đề thống nhất đất nước, chống xâm lăng v.v.
Hòa giải: bắt đầu từ những người từng cầm súng
Vậy vấn đề cần được giải quyết như thế nào để tháo gỡ những day dứt này, thưa giáo sư?
- Tôi nghĩ rằng có ba vấn đề mà chúng ta phải xem xét. Thứ nhất,đừng đòi hỏi đâu xa mà đã đến lúc các cơ quan truyền thông, những người làm công tác tuyên truyền phải nhắc tới sự tự “giải phóng”, sự thanh thản ở chính mỗi con người chúng ta.Chúng ta có hàng triệu chiến sĩ đã ra mặt trận. Những người ấy, xét về mặt nào đó, họ có quyền để mà giữ lâu hơn cái mối thù này. Bởi trong số họ có người đã ngã xuống nơi chiến trường, có người đã mất một phần thân thể, có người cũng đã dành cả thời trai trẻ của mình nơi chiến trận mà lý ra họ phải có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vì vậy, nếu họ có trút những “hận thù” ấy lên phía đối lập cũng là chính đáng, không ai chê trách gì được. Nhưng, như tôi đã nói, có lẽ đã đến lúc phải gác lại mọi hận thù. Hướng về tương lai để cùng nhau xây dựng đất nước, vì tương lai của chính chúng ta. Vì vậy, tôi cho rằng việc hòa giải phải bắt đầu, và quan trọng nhất là chính từ những người đã từng tham chiến.
Thưa giáo sư, đấy là ông nói theo triết lý của một nhà khoa học hay cả từ thực tế của chính bản thân ông?
- Tôi nói như thế không phải tôi là người ngoài cuộc, tôi đã từng là một quân nhân, đã từng tham chiến ở chiến trường.Tôi có một câu chuyện thật là đầu thập niên 90 (thế kỷ 20) do công việc tôi có gặp TS James Reckner, khi ấy là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam của Đại học Texas, nơi lưu giữ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Ông ấy nguyên là Đại úy hải quân Mỹ, trước đây thuộc một đơn vị của Hạm đội 7. Khi biết tôi là lính, ông ấy hỏi tôi đóng quân ở đâu, tôi nói địa chỉ. Ông ấy nói rằng đó là cái vùng mà đơn vị ông thường xuyên pháo kích. Tôi bảo rằng, may mà tôi thoát được chứ nếu không may, trúng quả pháo của ông ấy thì sẽ không có ngày gặp mặt này.
Lúc ấy tôi có hai cách giải quyết: Một là, tôi coi ông ấy là tử thù, bởi vì tôi sống sót là do may mắn thôi. Nhưng có cách xử lý thứ hai: chuyện ấy đã qua rồi, cuộc chiến tranh ấy do nhiều lý do mà tôi và ông ấy chỉ là những người lính trên chiến trường thôi, bây giờ chúng tôi phải nhìn nhau theo cách khác. Sau đó chúng tôi đã có những hợp tác rất tốt với nhau trong nghiên cứu về Việt Nam. Đấy, có cách nhìn khác nhau trước một cái thực thể như thế, một vấn đề, hoàn cảnh như thế.
Chính vì thế mới nói, điều quan trọng nhất là những người tham chiến phải có cái nhìn độ lượng với nhau hơn, cao thượng hơn và vì tương lai của cả dân tộc. Với ý nghĩa đó, những người từng đứng trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng hòa, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng phải có cách nhìn khác đi, cao hơn, như đã nói. Tôi cho rằng hóa giải và tiến tới hòa giải, hòa hợp nên bắt đầu bắt đầu từ chính những người từng cầm súng.
Trước tiên hãy làm tốt công việc của mình
Nhiều nhân sĩ, trí thức, những người từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa cho rằng, chúng ta nói nhiều đến hòa hợp, hòa giải, nhưng đôi khi còn hình thức theo kiểu “ban phát”. Nói là tạo mọi điều kiện cho Việt kiều tham gia xây dựng đất nước, nhưng họ đâu có cơ hội tham gia quản lý đất nước. Ví dụ, có thể để một số người tham gia Quốc hội, MTTQ chẳng hạn. Vì sao chúng ta vẫn còn hạn chế?
- Trước hết cần phải nói là, vì đại nghĩa, vì khối đại đoàn kết dân tộc, có lẽ chúng ta cần phải có cái nhìn khác khác đi về “chủ nghĩa lý lịch”, hay nói đúng hơn là sự “kỳ thị”. Đã đến thế hệ thứ 3 rồi mà cứ nhắc đến lý lịch là vô tình nhắc các em, các cháu nhớ lại quá khứ; làm cho họ cảm thấy bị phân biệt đối xử.
Những người có công thì phải nhớ, phải đền ơn, đáp nghĩa. Chúng ta không bao giờ được phép lơ là việc làm nghĩa tình ấy. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, khi nhớ ơn là phải kỳ thị người khác. Mặc dù trong chính sách của Nhà nước hiện nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ được thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng điều quan trọng là phải phải cụ thể hóa bằng những cái chính sách cụ thể.
Còn việc các nhân sĩ, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn tham gia vào các công việc quản lý đất nước như trở thành Đại biểu Quốc hội, thậm chí tham gia vào bộ máy điều hành của Chính phủ ở những cấp độ khác nhau, vào MTTQ là điều hoàn toàn chính đáng. Hiện nay, về cơ bản, tôi nghĩ đã có cơ sở pháp lý cho việc ấy, tuy nhiên chúng ta phải thấy một điều là việc lựa chọn người vào các cơ quan quyền lực, chính trị nó phải có hai mặt: Mở cửa đón người tài, người tâm huyết ấy, nhưng đồng thời cũng phải có một cơ chế sàng lọc để không lọt vào bộ máy lãnh đạo những người cơ hội, thậm chí là có động cơ không trong sáng. Đấy chính là điều khó khăn, mà theo tôi, các nhà quản lý, lãnh đạo đang cân nhắc.
Vì vậy, tới đây có lẽ là phải có một cơ chế thế nào đó để có thể lọc tìm ra được những người thực sự có tâm, có tài để tham gia vào các cơ quan công quyền điều hành đất nước. Tôi nghĩ, trước mắt thì những người có tâm huyết hãy thể hiện mình bằng những công việc có thể chưa trực tiếp vào tham gia điều hành đất nước, nhưng qua quá trình đóng góp trực tiếp ấy thì dần dần cũng sẽ có cơ hội để trở thành những người giữ những vai trò trọng trách trong bộ máy công quyền.
Xin cám ơn giáo sư!

http://viettimes.vn/hoa-giai-dan-toc-da-den-luc-nguoi-viet-vuot-qua-chuyen-thangthua-53326.html

 


GS TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Liên ngành Lịch sử- Khảo cổ, Dân tộc học.
Với những cống hiến hết sức quan trọng cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của đất nước, GS TSKH Vũ Minh Giang đã được Đảng, Nhà nước ta và nước ngoài tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động hạng Ba (2005) và hạng Hai (2010), Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Cộng hòa Pháp (2007), Giải thưởng công trình khoa học công nghệ tiêu biểu (2009), 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2002 và 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lê Thọ Bình - /

 

 

 

 

        

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

Công nhận Việt Nam cộng hòa là tiền đề cho hòa hợp dân tộc

Công nhận Việt Nam cộng hòa là tiền đề cho hòa hợp dân tộc

Ngày 18-8, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giới thiệu, phát hành bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn. Một trong nhiều điểm mới của bộ sách lịch sử quan trọng này là việc đề cập đến sự tồn tại của chính quyền Việt Nam cộng hòa như một thực thể chính trị độc lập tại miền Nam Việt Nam.
Một lần nữa, có muôn vàn ý kiến phản đối câu chuyện công nhận này. Thế nhưng phải chăng chúng ta đang quá khắt khe.


Tôi – sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, thế hệ cha ông chú bác tôi đã tham gia và đi qua ít nhất là 1 cuộc kháng chiến, và để lại trong đất 1 phần máu thịt. Cuộc chiến tranh ấy đã lấy đi của gia đình tôi nhiều thứ, mỗi năm vào ngày giỗ, chúng tôi vẫn quây quần bên nhau để ôn lại những kỉ niệm, kể về những câu chuyện cũ. Tôi cũng biết nhiều gia đình giống như chúng tôi, trải qua khốc liệt của bom đạn, và cũng có những người thân yêu phải nằm lại nơi chiến trường, hoặc ít nhất là  để lại một phần máu thịt.
Nói như vậy để hiểu rằng, có những giá trị mà chúng tôi không quên, cũng chưa bao giờ quên. Và cũng có những nỗi đau mà chúng tôi cũng thấu cảm phần nào.
 
Chúng ta chiến đấu vì Nam Bắc 1 nhà, nhưng hòa bình rồi sao lòng người còn chia cắt???
Thế nhưng sau này khi vào Nam học hành và làm việc, tôi chợt nhận ra một điều rằng nỗi đau đó không phải chỉ của riêng ai.
Tôi đang muốn nói đến những nỗi đau trong im lặng.
Hầu như gia đình miền Nam nào sau hậu chiến cũng phải hứng chịu những nỗi đau khác nhau. Đó là những li tán sau Hiệp định Geneve chia cắt 2 miền, những cuộc tù cải tạo dài đằng đẵng, những chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, những vụ vượt biên, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên sau cuộc chiến và khó xin công việc vì lý lịch xấu… Và những bà mẹ, họ cũng có những đứa con nằm lại ở chiến trường, nhưng lạnh lẽo và vô danh. Những câu chuyện tôi nghe gần chục năm nay đã để lại trong lòng những người trải qua chúng tổn thương khó hàn gắn.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về ngày thống nhất đất nước 30/4 đã cho rằng: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.
“Triệu người buồn” ấy cũng là giống nòi Việt. Họ hoặc đã rời đất nước này ra đi, hoặc vẫn ở lại trong lòng mang ít nhiều ấm ức.
Nỗi ấm ức ấy có lẽ không phải vì họ đã trở thành công dân của một nước Việt Nam thống nhất. Toàn vẹn lãnh thổ là khát vọng của cả dân tộc, ngày 30/4/1975 là ngày khát vọng ấy trở thành hiện thực. Có điều, cách “trở thành hiện thực” ấy đã tốn quá nhiều xương máu bởi sự thiếu thiện chí của cả hai bên. Nỗi ấm ức ấy có lẽ bởi những tổn thương hậu chiến là quá lớn.
Bốn mươi hai năm đã qua đi, gần như đã đi hết một đời người, người trẻ nhất cầm đến súng trong cuộc chiến năm ấy giờ có lẽ cũng đã đi qua thời kì sung mãn, tuổi trẻ của họ đã để lại nơi chiến trường. Một thế hệ mới đã sinh sôi, đã nảy mầm, những người cuối cùng của thế hệ 9x (thế hệ dân số vàng Việt Nam), giờ đây cũng đã qua cái tuổi 18. Nghĩa là thế hệ sinh ra khi đất nước bắt đầu mở cửa đã và đang bước vào giai đoạn tham gia vào dòng chảy phát triển của đất nước này.
Thế hệ đó không bom đạn, không hận thù, không đổ máu. Họ không mang trong mình tâm thế thời đại như cha ông họ, họ không hừng hực lửa, không có 1 kẻ thù để chiến đấu và chiến thắng, họ không cần phải xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, khi bây giờ hầm đèo Hải Vân đã nối những chuyến xe chở đầy hàng hóa từ Bắc vào Nam.
Cái giờ họ cần chiến đấu bây giờ là chính bản thân họ. Trách nhiệm của họ đó là đưa đất nước phát triển và đi lên sánh vai cùng với các cường quốc 5 châu, chứ không phải bắt họ khư khư giữ lấy những giá trị khi mà nó đã qua đi. Cha ông chúng ta đã chiến đấu để giành lại sự thống nhất của non sông, để cho thế hệ sau này có cơ hội làm khác đi, sống khác đi những gì mà họ phải gánh chịu. Một thế hệ đã hi sinh máu xương, sao còn phải bắt 1 thế hệ đi sau họ phải chịu thêm 1 nỗi buồn.
Chúng ta sẽ không lãng quên, nhưng nếu như cứ để nỗi buồn ấy kéo dài cho đến những thế hệ sinh ra sau cuộc chiến thì đó là nỗi bất hạnh cho cả dân tộc.
Con trai của một người lính Giải phóng quân như tôi ngày hôm nay vẫn làm bạn thân với con trai của một người lính Việt Nam Cộng hòa. Dẫu rằng 42 năm trước, cha tôi và cha anh ấy còn phải cầm súng bắn vào nhau.
Đất nước đã hòa bình rồi. Chiến tranh đã chấm dứt. Đã đến lúc dân tộc phải tiến hành công cuộc hòa giải. Thống nhất đất nước phải là tiền đề cho thống nhất nhân tâm, thống nhất tinh thần dân tộc…

Có như thế dân tộc mới trở nên mạnh mẽ, mới đoàn kết để chống xâm lược, mới có thể giữ gìn giang sơn, đất trời và biển.

Việc hòa giải đó phải bắt đầu từ cải cách trong tư duy con người và thứ hình thành nên tư duy con người, đó là sách vở.
Cho nên việc từ bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” và công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương của người Việt sau chiến tranh. Sẽ chẳng còn ai tổn thương như những người bị kì thị, nằm ngoài vòng quay của xã hội dù cho hằng ngày hằng giờ, mồ hôi của họ vẫn đổ vì sự phát triển của đất nước này.
Ngoài những người ở trong nước, hiện có hơn 4 triệu Việt kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng rất quan trọng.Sự đóng góp của họ là không thể nào phủ nhận. Công nhận Việt Nam cộng hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, như ý nguyện của hàng triệu triệu con dân của nước Việt Nam này.
Trên tất cả, hòa giải dân tộc, sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc trong cuộc cạnh tranh và sống còn trong một thế giới còn nhiều thách thức.
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai chính là như vậy.
Và còn bởi vì chúng ta là đồng bào của nhau.
Hoàng Thương
 http://ngonco.net/cong-nhan-viet-nam-cong-hoa-la-can-thiet-de-hoa-hop-dan-toc.html