Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Công nhận Việt Nam cộng hòa là tiền đề cho hòa hợp dân tộc

Công nhận Việt Nam cộng hòa là tiền đề cho hòa hợp dân tộc

Ngày 18-8, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giới thiệu, phát hành bộ Lịch sử Việt Nam bao quát nền lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn. Một trong nhiều điểm mới của bộ sách lịch sử quan trọng này là việc đề cập đến sự tồn tại của chính quyền Việt Nam cộng hòa như một thực thể chính trị độc lập tại miền Nam Việt Nam.
Một lần nữa, có muôn vàn ý kiến phản đối câu chuyện công nhận này. Thế nhưng phải chăng chúng ta đang quá khắt khe.


Tôi – sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, thế hệ cha ông chú bác tôi đã tham gia và đi qua ít nhất là 1 cuộc kháng chiến, và để lại trong đất 1 phần máu thịt. Cuộc chiến tranh ấy đã lấy đi của gia đình tôi nhiều thứ, mỗi năm vào ngày giỗ, chúng tôi vẫn quây quần bên nhau để ôn lại những kỉ niệm, kể về những câu chuyện cũ. Tôi cũng biết nhiều gia đình giống như chúng tôi, trải qua khốc liệt của bom đạn, và cũng có những người thân yêu phải nằm lại nơi chiến trường, hoặc ít nhất là  để lại một phần máu thịt.
Nói như vậy để hiểu rằng, có những giá trị mà chúng tôi không quên, cũng chưa bao giờ quên. Và cũng có những nỗi đau mà chúng tôi cũng thấu cảm phần nào.
 
Chúng ta chiến đấu vì Nam Bắc 1 nhà, nhưng hòa bình rồi sao lòng người còn chia cắt???
Thế nhưng sau này khi vào Nam học hành và làm việc, tôi chợt nhận ra một điều rằng nỗi đau đó không phải chỉ của riêng ai.
Tôi đang muốn nói đến những nỗi đau trong im lặng.
Hầu như gia đình miền Nam nào sau hậu chiến cũng phải hứng chịu những nỗi đau khác nhau. Đó là những li tán sau Hiệp định Geneve chia cắt 2 miền, những cuộc tù cải tạo dài đằng đẵng, những chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, những vụ vượt biên, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên sau cuộc chiến và khó xin công việc vì lý lịch xấu… Và những bà mẹ, họ cũng có những đứa con nằm lại ở chiến trường, nhưng lạnh lẽo và vô danh. Những câu chuyện tôi nghe gần chục năm nay đã để lại trong lòng những người trải qua chúng tổn thương khó hàn gắn.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về ngày thống nhất đất nước 30/4 đã cho rằng: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.
“Triệu người buồn” ấy cũng là giống nòi Việt. Họ hoặc đã rời đất nước này ra đi, hoặc vẫn ở lại trong lòng mang ít nhiều ấm ức.
Nỗi ấm ức ấy có lẽ không phải vì họ đã trở thành công dân của một nước Việt Nam thống nhất. Toàn vẹn lãnh thổ là khát vọng của cả dân tộc, ngày 30/4/1975 là ngày khát vọng ấy trở thành hiện thực. Có điều, cách “trở thành hiện thực” ấy đã tốn quá nhiều xương máu bởi sự thiếu thiện chí của cả hai bên. Nỗi ấm ức ấy có lẽ bởi những tổn thương hậu chiến là quá lớn.
Bốn mươi hai năm đã qua đi, gần như đã đi hết một đời người, người trẻ nhất cầm đến súng trong cuộc chiến năm ấy giờ có lẽ cũng đã đi qua thời kì sung mãn, tuổi trẻ của họ đã để lại nơi chiến trường. Một thế hệ mới đã sinh sôi, đã nảy mầm, những người cuối cùng của thế hệ 9x (thế hệ dân số vàng Việt Nam), giờ đây cũng đã qua cái tuổi 18. Nghĩa là thế hệ sinh ra khi đất nước bắt đầu mở cửa đã và đang bước vào giai đoạn tham gia vào dòng chảy phát triển của đất nước này.
Thế hệ đó không bom đạn, không hận thù, không đổ máu. Họ không mang trong mình tâm thế thời đại như cha ông họ, họ không hừng hực lửa, không có 1 kẻ thù để chiến đấu và chiến thắng, họ không cần phải xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, khi bây giờ hầm đèo Hải Vân đã nối những chuyến xe chở đầy hàng hóa từ Bắc vào Nam.
Cái giờ họ cần chiến đấu bây giờ là chính bản thân họ. Trách nhiệm của họ đó là đưa đất nước phát triển và đi lên sánh vai cùng với các cường quốc 5 châu, chứ không phải bắt họ khư khư giữ lấy những giá trị khi mà nó đã qua đi. Cha ông chúng ta đã chiến đấu để giành lại sự thống nhất của non sông, để cho thế hệ sau này có cơ hội làm khác đi, sống khác đi những gì mà họ phải gánh chịu. Một thế hệ đã hi sinh máu xương, sao còn phải bắt 1 thế hệ đi sau họ phải chịu thêm 1 nỗi buồn.
Chúng ta sẽ không lãng quên, nhưng nếu như cứ để nỗi buồn ấy kéo dài cho đến những thế hệ sinh ra sau cuộc chiến thì đó là nỗi bất hạnh cho cả dân tộc.
Con trai của một người lính Giải phóng quân như tôi ngày hôm nay vẫn làm bạn thân với con trai của một người lính Việt Nam Cộng hòa. Dẫu rằng 42 năm trước, cha tôi và cha anh ấy còn phải cầm súng bắn vào nhau.
Đất nước đã hòa bình rồi. Chiến tranh đã chấm dứt. Đã đến lúc dân tộc phải tiến hành công cuộc hòa giải. Thống nhất đất nước phải là tiền đề cho thống nhất nhân tâm, thống nhất tinh thần dân tộc…

Có như thế dân tộc mới trở nên mạnh mẽ, mới đoàn kết để chống xâm lược, mới có thể giữ gìn giang sơn, đất trời và biển.

Việc hòa giải đó phải bắt đầu từ cải cách trong tư duy con người và thứ hình thành nên tư duy con người, đó là sách vở.
Cho nên việc từ bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền” và công nhận Việt Nam cộng hòa như một chính quyền độc lập là một bước tiến quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương của người Việt sau chiến tranh. Sẽ chẳng còn ai tổn thương như những người bị kì thị, nằm ngoài vòng quay của xã hội dù cho hằng ngày hằng giờ, mồ hôi của họ vẫn đổ vì sự phát triển của đất nước này.
Ngoài những người ở trong nước, hiện có hơn 4 triệu Việt kiều trong đó các thành phần trong chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng rất quan trọng.Sự đóng góp của họ là không thể nào phủ nhận. Công nhận Việt Nam cộng hòa sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, như ý nguyện của hàng triệu triệu con dân của nước Việt Nam này.
Trên tất cả, hòa giải dân tộc, sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc trong cuộc cạnh tranh và sống còn trong một thế giới còn nhiều thách thức.
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai chính là như vậy.
Và còn bởi vì chúng ta là đồng bào của nhau.
Hoàng Thương
 http://ngonco.net/cong-nhan-viet-nam-cong-hoa-la-can-thiet-de-hoa-hop-dan-toc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét