Báo cáo giải mật của CIA về Trường Sa 1988: TQ triển khai hải quân với quy mô chưa từng thấy
Tài liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã ghi nhận đợt triển khai lực lượng hải quân với quy mô chưa từng thấy của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa.
30 năm trước, ngày 14/3/1988, trước họng súng của lính Trung Quốc, 64 chiến sĩ - những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền.
Nhằm mang lại cái nhìn toàn cảnh hơn về sự kiện Trường Sa 1988, tòa soạn xin gửi tới quý độc giả bản báo cáo đã được giải mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 8/8/1988, trong đó đề cập tới các toan tính của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa trước và sau sự kiện.
Dưới đây là trích lược nội dung bản báo cáo.
---
Trung Quốc đã tính toán
Theo quan điểm của chúng tôi [CIA], bằng cách biến vấn đề Trường Sa thành vấn đề riêng giữa Trung Quốc và Việt Nam, Bắc Kinh đã thành công trong việc hạn chế các hậu quả chính trị mà họ có thể phải hứng chịu khi xâm lấn quần đảo này.
Chẳng hạn, truyền thông Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng trên quần đảo Trường Sa. Đồng thời, thông qua các hoạt động ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã tìm cách củng cố luận điểm trên của mình.
Có lẽ Bắc Kinh đã toan tính ngay từ đầu rằng chiến lược này có thể giúp kiềm chế phản ứng bất lợi trong khu vực đối với họ và cô lập Việt Nam. Bắc Kinh cam kết hành động của mình hoàn toàn không nhằm vào 3 nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực, gồm Philippines, Malaysia và Đài Loan.
Những bức ảnh này được đăng trên Hoàn Cầu thời báo và một số báo Trung Quốc, cho thấy lính và vũ khí Trung Quốc đã được triển khai đến Trường Sa năm 1988 để thực hiện việc cưỡng chiếm trái phép đảo của Việt Nam.
Hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực từ lâu đã cho thấy rõ một điều - Việt Nam là mối lo ngại chính của Bắc Kinh:
- Binh lính Trung Quốc chiếm giữ các bãi đá ngầm và tàu chiến Trung Quốc chủ yếu tuần tra gần các đảo do Việt Nam kiểm soát trên quần đảo Trường Sa. Chúng hiếm khi tiếp cận các đảo do Philippines, Malaysia và Đài Loan chiếm đóng.
- Nhiều nguồn tin cho biết trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4/1988, các tàu chiến Trung Quốc đã ít nhất 3 lần quấy rối tàu tiếp tế của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, trong khi không hề cản trở các hoạt động tiếp tế của Malaysia và Đài Loan.
Theo đánh giá của chúng tôi, việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động hải quân ở Biển Đông, cũng như xây dựng các căn cứ thường trực tại Trường Sa đều nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm tái khẳng định chủ quyền mà họ đơn phương tuyên bố, đồng thời buộc các bên liên quan khác phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình hoặc buộc phải nhượng bộ đàm phán theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Có lẽ Trung Quốc quyết định hành động vào mùa xuân năm 1988 một phần bởi họ nhận ra rằng, cộng đồng quốc tế đang bắt đầu dồn sự chú ý vào việc tìm ra giải pháp bình ổn tình hình Campuchia. Mặt khác, Bắc Kinh muốn củng cố tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa trước khi căng thẳng giữa khối ASEAN với Việt Nam dịu đi.
Trung Quốc cho xuồng máy chuyển từng tốp lính đặc nhiệm lên Gạc Ma trước trận hải chiến năm 1988. Ảnh: Hoàn Cầu
Trung Quốc "khoe cơ bắp" hải quân với quy mô chưa từng thấy
Đợt triển khai lực lượng hải quân với quy mô chưa từng thấy của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa cho thấy hải quân Trung Quốc đã phát triển thành một lực lượng có khả năng triển khai và duy trì sức mạnh bên ngoài các vùng ven biển.
Với thời hạn 6 tháng, đây là đợt triển khai có phạm vi rộng lớn nhất mà Hải quân Trung Quốc từng tiến hành, huy động 40 tàu từ cả 3 hạm đội.
Hạm đội Nam Hải đã chứng tỏ mình là lực lượng có mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất trong Hải quân Trung Quốc, như có thể thực hiện toàn bộ chiến dịch được giao phó một cách hiệu quả và điều động luân phiên tàu chiến để đảm bảo tất cả các tàu cỡ lớn trong hạm đội đều nắm rõ nhiệm vụ của mình trên quần đảo Trường Sa.
Kinh nghiệm hoạt động và kiến thức thực tiễn tích lũy được về quần đảo Trường Sa sẽ trở nên vô cùng giá trị đối với các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc nếu Bắc Kinh quyết định theo đuổi một chính sách hung hăng hơn nhằm vào các đảo do Việt Nam kiểm soát.
Tới cuối tháng 7/1988, Trung Quốc đã hoàn tất công trình xây dựng trên Đá Chữ Thập và 5 bãi đá ngầm khác thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo đánh giá của chúng tôi, căn cứ hải quân thường trực tại Đá Chữ Thập đã tăng cường đáng kể khả năng triển khai lực lượng của Bắc Kinh trong khu vực:
- Căn cứ trên Đá Chữ Thập có thể đồn trú binh lính, dự trữ quân nhu, có chỗ neo đậu cho tàu tiếp tế.
- Các tàu tuần tra và trực thăng đóng quân tại đó có thể giúp Trung Quốc canh gác các tiền đồn nhỏ hơn, giám sát hoạt động quân sự của Việt Nam và cung cấp tin tình báo quan trọng.
- Do nhu cầu tiếp tế cho các hoạt động hải quân ở đây thấp hơn nên Bắc Kinh có thể tập hợp một đội tàu nhanh chóng di chuyển về phía nam và tấn công Trường Sa trong khi để lộ rất ít dấu hiệu cảnh báo (thậm chí không để lộ).
Trong bối cảnh lực lượng trên Đá Chữ Thập đã sẵn sàng hoạt động, và các cơn bão theo mùa bắt đầu tràn vào quần đảo, Bắc Kinh bắt đầu giảm bớt các hoạt động hải quân ở Trường Sa.
Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Hải quân Việt Nam ngày 14/3/1988
Sau khi tấn công Việt Nam một cách triệt để tại Gạc Ma ngày 14/3/1988, có lẽ Trung Quốc nhận thấy rằng từ bây giờ, hai phía khó lòng xảy ra một cuộc xung đột hải quân nào nữa.
Bắc Kinh cũng cho rằng, khó có khả năng Việt Nam tấn công các tiền đồn của Trung Quốc...
Hải quân Trung Quốc cũng tin rằng khả năng triển khai thần tốc tàu chiến tới Trường Sa có thể "răn đe" Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng Trung Quốc có thể sẽ giảm thêm số lượng tàu chiến hoạt động xung quanh quần đảo Trường Sa bằng cách duy trì một số tàu chiến nhất định tại căn cứ trong thời gian dài hơn trước đây để giảm thiểu chi phí hoạt động.
Phản ứng của Việt Nam
Việt Nam đã đáp trả mạnh mẽ thách thức từ Trung Quốc bằng các động thái quân sự và chính trị, khiến Bắc Kinh bị choáng ngợp.
Các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam có vẻ nhằm gây áp lực, buộc Trung Quốc giải quyết tranh chấp giữa hai phía một cách hòa bình, thông qua các cuộc đàm phán.
Truyền thông Việt Nam chỉ trích Trung Quốc là một thế lực hung hăng, và là mối đe dọa đối với nền hòa bình - ổn định trong khu vực, đồng thời nhiều lần thúc giục Bắc Kinh hãy sử dụng giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề chủ quyền.
Việt Nam đã nêu ra vấn đề Trường Sa tại Liên Hiệp Quốc nhằm kêu gọi sự giúp đỡ, buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán...
Việt Nam cũng tìm kiếm sự hỗ trợ trong khu vực để có thể đi đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề Trường Sa...
Mặc dù chủ trương giải pháp hòa bình nhưng có lẽ Việt Nam nhận ra rằng điều đó khó có khả năng đạt được trong bối cảnh hiện tại [năm 1988].
Trước ưu thế hải quân của Trung Quốc, căn cứ thường trực của nước này tại Trường Sa, cũng như lời đe dọa của Bắc Kinh là tái chiếm quần đảo Trường Sa vào thời điểm thích hợp, Việt Nam đã thận trọng chuẩn bị cho một cuộc chiến tiếp theo (nếu nổ ra).
Các hoạt động chuẩn bị tăng cường của Việt Nam bao gồm:
- Bố trí binh lính và vũ khí trên các bãi đá ngầm, củng cố phòng thủ tại các căn cứ đã có...
- Thiết lập một sở chỉ huy tiền phương tại vịnh Cam Ranh, điều động lính hải quân và các tàu tiếp tế, đặt lực lượng hải quân đánh bộ trong tình trạng báo động, tăng cường huấn luyện hải quân và đổ bộ.
- Phát triển khả năng tấn công tầm xa bằng cách triển khai máy bay ném bom tới Phan Rang và điều máy bay tiến hành các đợt tuần tra trên quần đảo Trường Sa.
Những hành động này đã tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam và mang lại cho Việt Nam khả năng triển khai lực lượng hạn chế tại quần đảo Trường Sa.
Chiến sĩ Trường Sa năm 1988. Ảnh tư liệu: Tiền Phong.
... Bằng cách huy động nguồn lực và đặt mình vào tình trạng chiến tranh (như thể chiến tranh đã nổ ra), Việt Nam có vẻ đang muốn cho Bắc Kinh thấy rằng Việt Nam sẽ bảo vệ lợi ích của mình ở Trường Sa, ngay cả khi đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột khác với Trung Quốc.
Có lẽ Việt Nam cho rằng bằng cách tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả nếu xảy ra xung đột, Việt Nam có thể ngăn Bắc Kinh đưa ra lựa chọn quân sự để giải quyết vấn đề Trường Sa.
Bên cạnh đó, có vẻ Việt Nam tin rằng, nếu các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa bị tấn công, các lực lượng tại đây vẫn đủ sức chiến đấu cho tới khi Bắc Kinh buộc phải ngừng lại vì các áp lực ngoại giao...
Gần như chắc chắn Việt Nam nhận thức được rằng, các căn cứ bị cô lập của họ vẫn có thể bị Trung Quốc phong tỏa bằng hải quân hoặc tấn công đổ bộ. Song đồng thời, Việt Nam có lẽ cũng suy tính rằng, bằng cách củng cố các tiền đồn và tăng cường yểm trợ đường không, Việt Nam có thể ngăn chặn Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công trực diện.
Mặc dù chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ duy trì thế phòng thủ nhưng vẫn không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ tấn công đáp trả tàu chiến hoặc tiền đồn của Trung Quốc, nếu Trung Quốc tiếp tục các đợt tuần tra hải quân mang tính khiêu khích hoặc tìm cách chiếm giữ thêm các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Lính đảo Trường Sa 1988. Nguồn: Tuổi Trẻ
Thái độ trung lập của Liên Xô
Theo đánh giá của chúng tôi, Trung Quốc có vẻ hài lòng khi Moscow giữ thái độ trung lập đối với vấn đề Trường Sa.
Tranh chấp này đã buộc Xô Viết phải "đi trên dây" khi một mặt cố duy trì mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, một mặt tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Một nguồn tin Liên Xô cho biết, sự kiện Trường Sa đã khiến Liên Xô lâm vào thế khó. Liên Xô công khai ủng hộ nỗ lực kêu gọi đàm phán của Việt Nam để giải quyết tranh chấp nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Liên xô Rogachev lại từ chối khi Việt Nam đề nghị Liên Xô cùng lên án hành động của Trung Quốc ở Trường Sa.
Căn cứ của Liên Xô tại vịnh Cam Ranh đã hỗ trợ hậu cần cho các tàu tiếp tế của Việt Nam di chuyển qua lại tới các đảo ở Trường Sa. Moscow cũng đẩy mạnh hỗ trợ quân sự và có thể đang giúp Hà Nội nâng cấp năng lực quân sự tại Trường Sa...
QS