Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

HAI ÔNG HỌ NGUYỄN ĐAU ĐẦU VỚI HAI ÔNG HỌ TRỊNH

HAI ÔNG HỌ NGUYỄN ĐAU ĐẦU VỚI HAI ÔNG HỌ TRỊNH
 
  Đó là ông TBT Nguyễn Phú Trọng và ông TT Nguyễn Xuân Phúc. Còn hai ông kia là doanh nhân Việt Kiều yêu nước Trịnh Vĩnh Bình và doanh nhân nhà nước tham nhũng Trịnh Xuân Thanh.

 
Ông Nguyễn Phú Trọng đương nhiên là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ đưa Trịnh Xuân Thanh về nước để "đầu thú". Còn ông Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ kế thừa hậu quả để lại của các tiền nhiệm, nên phải đối mặt trực tiếp với vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ VN.

Trịnh Xuân Thanh được cho là người của phe Đinh La Thăng và Nguyễn Tấn Dũng, thời làm chủ doanh nghiệp nhà nước đã làm thất thoát trên 3000 tỷ đồng nên là nghi can trong vụ đại án kinh tế đang bị xử lý theo chỉ đạo trực tiếp của TBT Nguyễn Phú Trọng, nhưng đã trốn thoát qua nước Đức xin tị nạn. Sau đó xảy ra vụ y bị đưa về nước xin "đầu thú" như công bố chính thức từ phía VN. Tuy nhiên phía Đức đã phản ứng mạnh mẽ và cho đó là một vụ bắt cóc vị phạm nghiêm trọng chủ quyền và pháp luật Đức cũng như công pháp quốc tế.



Ông Trọng đau đầu và cơn đau này cứ kéo dài như bị tra tấn mỗi khi từ Berlin, một trung tâm lớn của Châu Âu hé ra từng thông tin về vụ bắt cóc kèm thêm thông tin về các biện pháp trừng phạt của Đức. Bắt đầu là phản ứng mạnh mẽ của bộ ngoại giao Đức, rồi lệnh trục xuất một nhân viên tình báo của tòa đại sứ VN, rồi tin cho nghỉ việc để điều tra một người gốc Việt trong cơ quan xét duyệt tỵ nạn (BAMF) vì nghi ngờ dính líu đến vụ bắt cóc, rồi chuyển việc điều tra bắt cóc lên cơ quan công tố cấp liên bang, rồi toàn thể dân biểu quốc hội Đức đòi trừng phạt VN, rồi tin tìm ra chủ hảng xe cho thuê để bắt cóc, rồi hành trình xe bắt cóc bị ghi lại toàn bộ qua máy định vị GPS, rồi tìm ra người gốc Việt ở Sec thuê xe phục vụ bắt cóc, rồi tin người nầy bị bắt và bị dẫn độ về Berlin, rồi tin người bị bắt cóc được đưa vào sứ quán VN ở Berlin trước khi bị đưa về VN qua sân bay ở Sec trong tình trạng nằm trên cáng khiêng, rồi tin phát hiện ra nhân tình của TXT cũng có mặt tại hiện trường vụ bắt cóc và bị đánh đến gãy tay....

Mỗi thông tin đưa ra như một tiếng búa nện vào tai ông ấy. Mà gần một tháng qua, từ trung tâm Berlin cứ thế, chậm chạp, đều đặn và từ tốn vang lên từng nhát búa, chưa biết đến lúc nào mới ngưng. Khổ thân ông. Phải chi trắng đen, nước Đức lạnh lùng ấy làm quách một lần cho xong để ông Trọng dứt cơn đau đầu, yên tâm lo việc đốt lò cứu đảng.

Ở trung tâm khác của Châu Âu còn lớn hơn, một ông Trịnh khác đang làm đau đầu nhức óc ông Nguyễn thứ hai. Việc xét xử vụ án đang diễn ra căng thẳng. Hai đội ngũ luật sư danh tiếng từ hai nước Mỹ và Anh đại diện quyền lợi cho hai phe Trịnh và Nguyễn đang nã pháo lý lẽ vào nhau, tranh giành từng milimet lợi thế. Mấy ngày nay, ông Nguyễn này phải mất ăn mất ngủ để hóng tin thuộc cấp báo về từng giờ diễn biến tranh tụng tại tòa.

Ông Phúc ắt rất hận mấy tay tiền nhiệm cấp trên và cấp dưới quá tham lam và lạm quyền để xảy ra cớ sự này. Phải chi sau vụ hòa giải thành ở Singapore, đừng tham tiếc, trả quách hết tài sản lại cho ông Trịnh như đã cam kết. Tôi thấy ở đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn, ngay bên cạnh tòa nhà đồ sộ của công an thành phố có một khách sạn 10 tầng của ông Trịnh xây dựng cách đây hơn 20 năm vẫn còn bỏ hoang, sao không trả lại cho ông ta? Còn bao nhiêu tài sản khác, nhiều lắm, do tham lam tẩu tán hết rồi thì tịch thu lại hoặc không thu lại được thì quy ra tiền rồi rút tiền ngân khố ra đền bù cho ông ta. Hồi đó không làm những việc đó để bây giờ phải đi hầu tòa.
Ở phiên tòa Paris này, dù ông Nguyễn có thắng ông Trịnh thì VN cũng thua to. Bao nhiêu cái xấu xa của hệ thống tư pháp không độc lập bị phơi bày ra trước mắt thiên hạ qua vụ hình sự hóa quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình trước đây ở VN.

Qua hai sự việc lùm xùm ở hai trung tâm trời Âu nầy chúng ta thấy nổi lên số phận của hai ông họ Trịnh.
Một ông là dân thường sinh ra ở miền Nam, được hấp thu nền giáo dục khai hóa nhân bản, sau 75 không thể sống chung được với cộng sản nên bỏ nước ra đi, tự thân lập nghiệp ở xứ người, vươn lên thành doanh nghiệp thành đạt có tiền triệu đô la. Với số tiền đó, ông có thề ở không hưởng thụ suốt đời hoặc tiếp tục đầu tư mở rộng để phát triển lên hơn. Nhưng nghe lời kêu gọi của những người cộng sản mà ông tin rằng đã thay đổi, cộng thêm thôi thúc của lòng yêu nước, ông Trịnh mang bạc triệu đô la về đầu tư phát triển quê hương. Và thế là ông dính bẫy, không những bị cướp hết tài sản mà bản thân còn bị đày đọa vào chốn ngục tù. Quá sức bi kịch cho số phận của một con người.

Ngược lại, ông Trịnh kia là công tử đỏ, sinh ra, lớn lên, học tập trong cái nôi cộng sản, chẳng cần tự thân nỗ lực, học hành chưa qua trình độ viết đúng chính tả cơ bản, vẫn được o bế đưa lên ngồi vào những chức vụ ngon lành nhất, nắm trong tay một doanh nghiệp với hàng ngàn tỷ đồng vốn. Rồi lại thăng tiến lên phó chủ tịch tỉnh, rồi đại biểu quốc hội, rồi sẽ mọi thứ chức tước cao ngất nữa đang chờ phía trước, nếu như...

Kiểu công tử đỏ, thái tử đỏ như Trịnh Xuân Thanh có đầy rẫy đang ngồi trên đầu nhân dân ở khắp mọi nơi để làm tàn lụi đất nước. Trường hợp công tử đỏ TXT chỉ là một sự cố hết sức cá biệt bị lộ, bị hy sinh, bị biến thành củi để nhóm lò cứu đảng.

Nhưng mệnh đời run rủi thế nào, hai ông họ Trịnh, hai số phận xa lạ khác biệt ấy lại gặp nhau ở một điểm chung. Cùng xuất hiện trong một khoản thời gian tại hai trung tâm lớn ở Châu Âu, được nền luật pháp công minh của nhân loại tiến bộ bảo vệ, để gây ra những cơn đau đầu chưa biết khi nào dứt cho hai ông họ Nguyễn đầy quyền lực ở VN.

Cũng qua vụ đau đầu của hai ông Nguyễn mà chúng ta hiểu ra rằng luật pháp của nhân loại văn minh là luật pháp vì con người, bảo vệ cho từng thân phận con người, dù đó là con người gì.
 
 https://huynhngocchenh.blogspot.de/2017/08/hai-ong-ho-nguyen-au-au-voi-hai-ong-ho_25.html#more

Chuyện gì đã xảy ra vào năm 1945?

Buổi Mít-tinh của Tổng Đoàn Công Chức chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim ngày 17 tháng 8 năm 1945.
Có lẽ đa số các bạn đều đã được giáo dục rằng biến cố lịch sử với tên gọi “Cách mạng tháng Tám” (CMT8) là một “mốc son đánh dấu nước ta thoát khỏi ách đô hộ của Pháp và gông xiềng Nhật”. Cuộc “cách mạng” này đã dẫn tới sự kiện mà ngày nay chúng ta gọi là “Quốc khánh” – mồng 2/9. Thêm nữa, năm 1945 đánh dấu nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử Việt Nam, thảm cảnh 2 triệu đồng bào chết đói đã trở thành nổi ám ảnh qua nhiều thế hệ gia đình Bắc Việt Nam.

Thế nhưng, lịch sử thì luôn phức tạp hơn những gì mà chúng ta vẫn được tuyên truyền. Và tuy nhiều bạn đã nắm rõ sự thật về cuộc nội chiến kéo dài 21 năm sau biến cố đó, song về sự kiện diễn ra vào ngày này cách đây 72 năm thì vẫn rất mơ hồ. Vậy rốt cục thì chuyện gì đã xảy ra vào quãng thời gian này? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu dưới một góc nhìn khác.

1. Trước CMT8, Việt Nam tồn tại mấy thế lực ?

Có thể nói rằng tại Việt Nam thời kỳ đó tồn tại rất nhiều thế lực chính trị khác nhau: Pháp có, Nhật có, cũng như một chính phủ độc lập về mặt chính trị song vẫn phụ thuộc vào quân sự của Nhật với tên gọi “Đế quốc Việt Nam”. Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự xuất hiện thầm lặng tới tưởng chừng như vô hình của Mỹ và hiển nhiên là phe cánh Việt Minh.
Điều đáng chú ý nhất ở đây là về chính phủ Đế quốc Việt Nam của Trần Trọng Kim - một trong những thể chế Dân chủ đầu tiên, được triều đình phong kiến ủng hộ và là nền móng quan trọng cho sự hình thành của Việt Nam Cộng Hoà sau này, dù chỉ tồn tại trong vòng 4 tháng (17-04-1945 đến 19-08-1945).

+ Chính phủ Trần Trọng Kim :

Chính phủ Trần Trọng Kim có thể nói là một tai nạn lịch sử, vì sao nói là một tai nạn lịch sử? Điều này đã được ông thừa nhận trong hồi ký của mình. Lúc ấy ông giáo gần lục tuần đã phải ngồi vào bàn cờ chính trị, đối mặt với một đất nước nghèo đói. Sau này trong hồi ký của ông, vị thủ tướng bất đắc dĩ này đã kể lại rằng sau gần mười ngày chờ đợi và cứ cách ba bốn hôm ông lại đến gặp cố vấn tối cao Nhật - Yuichi Tsuchihashi để hỏi tin tức về ông Diệm để được trả lời là “chưa biết ông Diệm ở đâu” sau là “ông Diệm đau chưa về được”, rồi vì vua Bảo Đại “sốt ruột, triệu tôi vào bảo chịu khó lập chính phủ mới”. Tâm sự của hai người đã được giãi bày qua lời kể lại sau đây.

“Ngài (vua Bảo Đại) nói:”Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.Tôi thấy vua Bảo Đại thông minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng:- Nếu vì quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong Ngài nói vì nghĩa vụ đối với nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin Ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm người, hễ có thể được tôi xin tâu lại.”

Đến thời điểm này ta đã thấy cụ Diệm đã là một người có tiếng nói trên chính trường, sau thời gian du học tại Pháp và biến cố tháng 8 đã ngăn cản ông quay về tiếp quản Quốc gia, trong nước ông Nhu - em của cụ Diệm đã thành lập một đảng riêng hoạt động bí mật dưới con mắt dè chừng của Pháp tại chính tư dinh ở Đà Lạt sau khi vua Bảo Đại thoái vị về đây sinh sống. Tiếp nữa, ông đã mở rộng hoạt động xuống đến tận sài Gòn chờ ngày anh trai về nước nhậm chức Tổng thống Quốc gia đa nguyên đầu tiên trong lịch sử nước nhà mang tên gọi Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1955 - dưới sự chấp thuận của vua Bảo Đại, lúc này đã lưu vong sang Pháp, trở thành kẻ tội nghiệp cho chính những điều mình không gây ra.

Vì mới thành lập quân đội của Đế quốc Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào quân Nhật, kẻ thua cuộc sau Thế Chiến II, đã đầu hàng và khát vọng duy nhất của Nhật không còn là lợi ích kinh tế và quân sự mà là làm sao khôi phục lại tầm ảnh hưởng bằng hình thức "Khối Đại Đông Á" của mình, tư tưởng này đã được ông Chương - tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của Việt Nam, cha đẻ của bà Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân bảo rằng "Ít ra Nhật không đánh giá sự ưu việt qua màu da như Pháp". CP Quốc gia Việt Nam đã thi hành nhiều cải cách dưới bàn tay hậu thuẫn của cựu hoàng Bảo Đại : Ủy Ban dư thảo Hiếp Pháp do gồm 15 thành viên ; Ủy ban cải cách cai trị, tư pháp và tài chánh ; Ủy ban cải cách giáo dục ; cuối cùng ngày 1-7-1945 vua Bảo Đại ban hành bô luật thành lập Hội đồng tư vấn Quốc gia gồm cả ba ủy ban cải cách trên).

Và Trần Trọng Kim đã thành lập được một chính phủ với danh sách các bộ trưởng được đệ trình lên nhà vua vào sáng ngày 17 tháng 4 năm 1945. Chính phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập này gồm có một thủ tướng với danh xưng nội các tổng trưởng và mười bộ trưởng với hai người là giáo sư, bốn người là y sĩ, bốn người là luật sư và một người là kỹ sư. Đây là lần đầu danh xưng bộ trưởng đã dùng thay cho danh xưng thượng thư, cùng với sự xuất hiện của nhiều bộ mới như ngoại giao, thanh niên, y tế, tiếp tế… nhằm đáp ứng nhu cầu của thời cuộc, thay vì chỉ có lục bộ như thời trước. Trong số các bộ, không bộ quốc phòng. Trần Trọng Kim trong hồi ký của ông có giải thích điều này bằng nhiều lý lẽ, nhưng sự thiếu vắng bộ quốc phòng đã gây ra cho chính phủ của ông nhiều trở ngại khi tình thế thay đổi và nhất là khi quân Nhật bị giải giáp và Việt Minh cướp chính quyền.

Tìm hiểu về con người Trần Trọng Kim, với bản chất là một nhà giáo, một tác giả của bộ sách Giáo Khoa Thư cho đến hiện tại người ta vẫn còn in lại và vẫn còn ưa đọc và viết nhiều về nó, với bản chất là một nhà nghiên cứu về lịch sử, triết học, một dịch giả của thơ Đường, đặc biệt là Việt Nam Sử Lược, một tác phẩm vừa là giáo khoa, vừa là nghiên cứu phổ thông cho đến những ngày hiện tại vẫn còn được nhiều người tin cậy và cẩn trọng giữ gìn.

Là một nhà giáo và một nhà nghiên cứu không đảng phái, không bè đảng, không có sẵn người, "nhà chính trị bất đắc dĩ " đã dựa theo tiêu chuẩn phải có đủ học thức và tư tưởng về mặt chính trị, phải có đức hạnh chắc chắn để dân chúng kính phục. Về giáo dục, chính phủ chủ trương dùng quốc ngữ giảng dạy thay chữ Pháp, và rất chú trọng đến ngành giáo dục kỹ thuật. Cầm quyền chưa được hai tháng, vào ngày 8- 6-1945, chính phủ quy định rằng từ đây, chữ quốc ngữ và tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức ở các công sở và trường học. Trong trường học, Pháp văn được giảng dạy như một ngoại ngữ. Kỳ thi tiểu học năm nay là kỳ thi đầu tiên bằng quốc ngữ, và dự định sẽ dùng quốc ngữ trong các kỳ thi cao hơn. Chương trình trung tiểu học được Việt Nam hóa, do bộ trưởng bộ Giáo dục Hoàng Xuân Hãn đưa ra. Chương trình này là nền tảng căn bản cho chương trình giáo dục của các chính phủ trong chính thể Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa sau này.

Vượt qua tất cả mọi khó khăn, Trần Trọng Kim và các cộng sự viên của ông đã vạch ra những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể và thực tế, từ những việc làm có tính các tương trưng như đổi quốc hiệu thành Việt Nam, đổi quốc kỳ, duyệt lại quốc ca… đến cứu đói, thu hồi toàn vẹn lãnh thổ, bắt các quan ở các tỉnh phải trực tiếp liên lạc với chính phủ Việt Nam và cấm họ liên lạc trực tiếp với người Nhật như họ vẫn liên lạc với người Pháp trước kia, Việt Nam hóa nền giáo dục, cải tổ thuế má, tư pháp, vận động thanh niên sinh viên và cả quần chúng nói chung tham gia sinh hoạt chánh trị, xã hội, lập các hội đồng tư vấn địa phương và vận dụng mọi khả năng để thực hiện.

Các đoàn thanh niên này góp phần đắc lực trong việc vận động cứu đói đồng bào Bắc Bộ. Từ đó ý thức xã hội và tinh thần dân tộc quật khởi mạnh mẽ trong giới thanh niên. Phong trào thanh niên đang hăng say hoạt động, thì chính phủ Trần Trọng Kim từ chức sau khi Nhật bại trận.

Điều này khẳng định không riêng Trần Trọng Kim mà luôn cả Bảo Đại “không phải là “bù nhìn” của Nhật và nền độc lập của Việt Nam, dù chưa hoàn toàn, vẫn là một thưc tại chứ không phải “bánh vẽ”, nhất là so với những điều kiện của một “quốc gia tự do” và viễn tượng thống nhất mơ hồ như trong hiệp định sơ bộ 6 tháng Ba 1946 mà Hồ Chí Minh phải ký kết với Cao Ủy Bollaert”.

Sự thành lập của chính phủ Trần Trọng Kim đã đánh dấu việc đầu tiên nước ta chính thức mang quốc hiệu "Việt Nam" - và sẽ còn giá trị đến mãi sau này .

+ Còn về thế lực của Mỹ? Điều này nghe có vẻ bất ngờ nhưng hóa ra lại không vì từ năm 1932 OSS (tiền thân của CIA) đã ngấm ngầm can thiệp bảo vệ Nguyễn Ái Quốc khỏi bị tử hình tại Trung Quốc. Vào sự kiện ngày 2/9/1945 diễn ra ở Quảng trường Ba Đình, một đội đặc nhiệm mang tên "Nai Vàng" đã ầm thầm theo bảo vệ lãnh đạo của Việt Minh. Nhưng vì ông ta là một con người của Công Sản III với mục tiêu: ''Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng, làm thất bại các chính phủ trong chiến tranh'', nghĩa là đi tìm kiếm sự độc tôn đảng phái bằng con đường bạo lực vũ trang, thà hy sinh máu của đồng bào chứ không chịu chấp nhận một nền dân chủ được Mỹ hậu thuẫn như VNCH đã làm sau này.

2. Về nạn đói Năm Ất Dậu 1945

+ Nạn đói xảy xa có phải hoàn toàn do Nhật và Pháp?

Trước nạn đói năm ấy, ngay từ khoảng đầu Thế chiến thứ hai, các gia đình miền Bắc đã phải sống dưới khẩu phần cho một người, và cơn đói luôn âm ỉ đâu đó trong lòng đồng bào. Ta có thể thấy qua một số tác phẩm đương thời như “Tắt Đèn” (Ngô Tất Tố), “Một bữa no” hay “Lão Hạc” (Nam Cao). Nạn đói bùng lên từ ngọn lửa âm ỉ đó vào năm Ất Dậu cùng với những thất bát về mùa vụ chỉ vô tình tô đậm bức tranh xơ xác thêm một mảng màu đen.

+ Nhà nước non trẻ của Trần Trọng Kim đã có động thái gì ?

Một trong những chương trình hành động khẩn cấp của chính phủ Trần Trọng Kim là giải quyết nạn đói ở Bắc bộ. Nạn đói bắt đầu từ mùa đông năm 1944, lúc đó còn Pháp thuộc. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương.

Khi chính phủ mới được thành lập (17-4-1945), chính phủ Trần Trọng Kim ra lệnh bãi bỏ việc bắt buộc nông gia bán lúa gạo cho nhà nước, và để cho dân chúng tự do buôn bán gạo. Điều nầy có nghĩa là những quy định trước đây về số lượng lúa gạo phải bán cho nhà nước theo diện tích canh tác cũng bị bãi bỏ. Người dân được tự do vận chuyển buôn bán gạo dưới 50 kí lô mà không cần phải có giấy phép của chính quyền.

Ở các tỉnh, những ngân hàng nông nghiệp sẽ phụ trách mua gạo cho nhu cầu quân sự hay nhu cầu thực phẩm của chính quyền dưới sự kiểm soát của tỉnh trưởng. Những người nghèo đói còn sống sót và những người vô gia cư được chính phủ tập trung vào những nhà nuôi dưỡng đặc biệt để phục hồi dần dần.

Vua Bảo Đại ra sắc chỉ ngày 23-5-1945 hủy bỏ nợ nần do các tiểu nông vay tiền nhà nước trước đây. Chính phủ cho hạ thấp mức thuế nông dân phải đóng góp. Bộ trưởng bộ Tiếp tế Nguyễn Hữu Thí đến Sài Gòn vào đầu tháng 6-1945 để thương thuyết với người Nhật nhằm thay đổi phương cách chở gạo từ Nam ra Bắc.

Để tránh bị phi cơ Đồng minh oanh tạc, gạo sẽ được chở bằng các đoàn thuyền buồm thuê của thường dân. Bộ trưởng Nguyễn Hữu Thí còn đề nghị đưa 1,000,000 dân từ Bắc bộ và Trung bộ vào định cư ở Nam bộ. Những chuyến xe hay những chiếc ghe chở gạo từ Nam ra Bắc, khi quay trở về, thì chở di dân vào Nam lập nghiệp

Ngày 30-6-1945, chính phủ Trần Trọng Kim cho đánh thuế du hý (vui chơi, giải trí) để lấy tiền tài trợ cho những hoạt động cứu đói ở Bắc bộ. Chính phủ mở chiến dịch báo chí thông tin về những bất hạnh của đồng bào Bắc Bộ để kêu gọi dân chúng tiếp tay cứu trợ. Những cuộc lạc quyên được tổ chức trên toàn quốc. Chiến dịch này đã đem đến nhiều thành quả tích cực.

Tại Hà Nội, vào tháng 5-1945, Tổng hội Cứu tế quyên được 782,403 đồng. Với số tiền này, Tổng hội đã mua được từ kho nhà nước 1,476 tấn gạo phát chẩn cứu đói. Ủy ban Cứu tế Trung ương giúp đỡ Bắc bộ tại Huế và Ủy ban tương trợ giúp đỡ những nạn nhân Bắc bộ tại Sài Gòn, được thành lập. Số tiền quyên góp được dùng mua gạo chở ra giúp đỡ đồng bào đất Bắc.

Tại Nam Bộ, chỉ nội trong tháng 5-1945, hơn 20 hội chẩn tế ra đời, và trong vòng một tháng đã quyên được 1,677,886 đồng, kể cả 481,570 đồng mua và chuyên chở 1,592 tấn gạo ra Bắc giúp cứu đói.

Nổi bật hơn cả và cao đẹp là hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương gỡ bỏ trang sức trên người quyên góp cho Hội, hình ảnh đẹp này đã diễn ra dưới thời kỳ Quốc Gia Việt Nam chứ không phải là chế độ VNDCCH như chúng ta vẫn được tuyên truyền.

Đây là lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam thực sự bắt tay vào hoạt động xã hội. Những biện pháp của chính phủ cùng sự tiếp tay của đồng bào toàn quốc, đã làm cho tình hình Bắc Bộ nhanh chóng trở lại bình thường. Vẫn còn một vài nơi người nghèo sắp hàng trước các điểm phân phối thực phẩm miễn phí, nhưng nói chung tình hình khá ổn định vào tháng 6-1945.

Nạn đói tưởng đã qua đi. Mặc dầu "Ủy ban Bảo vệ và Giám sát đê điều" được thành lập để lo việc giữ đê, ngăn ngừa nước dâng lên gây lụt lội, nhưng bất ngờ những cơn mưa như thác đổ vào tháng 8-1945 đã tràn ngập tất cả các cánh đồng các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Nạn mất mùa trở lại. Vài nơi thiếu gạo, dân chúng đã phải ăn cả lúa giống để dành làm vụ mùa sau.

+ Cộng Sản quấy rối:

Theo những gì chúng ta biết, khi nạn đói xảy ra năm 1945, đảng Cộng Sản Đông Dương và Việt Minh lên án Pháp và Nhật là tác nhân gây ra nạn đói, và chống việc trưng mua lúa gạo.

Việt Minh (VM) đả kích chính phủ Trần Trọng Kim, kích động dân chúng lăng nhục những viên chức chính quyền lo việc cứu tế. Khi biết được Đức rồi Nhật sắp đầu hàng Đồng minh, một mặt VM xúi giục dân chúng đánh phá các kho lúa. Một mặt khác, VM đứng ra tổ chức cướp các kho gạo.

Việt Minh còn âm thầm chận bắt những chuyến xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi VM đem tiếp tế cho những mật khu của họ. Điều này giải thích vì sao trong nạn đói Lãnh đạo và quân đội của VM được mở rộng dù phải sống xa lánh dư luận chính thống của chính quyền đương thời

Việt Minh hợp tác và cung cấp tin tức cho phe Đồng minh, chính là cho Hoa Kỳ, dùng máy bay bắn phá các trục giao thông, khiến việc tiếp tế thực phẩm rất khó khăn. Ngày 23-7-1945, bác sĩ Vũ Ngọc Anh, bộ trưởng bộ Y tế, trên đường đi công tác, từ Thái Bình trở về Hà Nội, đến gần Bần Yên Nhân thì bị máy bay Đồng minh bắn chết. Sự đi lại khó khăn đến nỗi chính phủ Trần Trọng Kim phải dùng xe đạp để chuyển công văn.

Từ đó, nạn đói trầm trọng trở lại. Nạn đói càng trầm trọng thì VM càng dễ tuyên truyền, vừa phản đối chính quyền, vừa chiêu dụ dân chúng bằng cách dùng gạo cướp được để cứu đói những ai chịu theo VM. Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) đã tự nhận trong hồi bút "Tại sao tôi viết Tiến Quân Ca - ngày 7-7-1946, rằng ông theo VM vì bản thân và gia đình quá đói. Sau được đăng trong cuốn "Thiên Thai" tuyển tập nhạc Văn Cao, từ ngà đó ông liên tục đấu tranh cho "Nhân văn giai phẩm" cùng các nhạc sĩ lỗi lạc như Phạm Duy, Ngô Thụy Miên...nhằm phản đói chính quyền CS ép buộc các nhạc sĩ viết nhạc tuyên truyền chiến tranh, đi ngược lại cốt cách của người làm nghệ thuật. Năm 1954, hai người bạn đồng môn của Văn Cao chạy thoát vào Nam, người bạn già này bèn ngậm ngùi với những tác phẩm thơ mộng như "Mùa xuân đầu tiên" của ông bị cấm lưu hành cho đến năm 1992.

+ Năm lần đàm phán với Việt Minh. Lần thứ hai là quan trọng hơn cả vì nó có sự góp mặt của Tổng thống Kim cùng các nội các giáp mặt với một thành viên phe VM. Xin trích nguyên văn hồi ký "Một cơn gió bụi" của ông :

“Đảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia, lính Bảo An ở các nơi, phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa. Nhân dân bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả, công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh nói họ đã có các nước đồng minh giúp đỡ cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói như thế, ai nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do Bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngả về Việt Minh.

“Tôi thấy tình thế ấy, tôi bảo ông Phan Kế Toại đi tìm một vài người Việt Minh đến nói chuyện, vì lúc ấy tôi còn tưởng đảng Việt Minh dù theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chắc cũng nghĩ đến tương lai nước nhà. Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói ‘chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu nước được không?

“Người ấy nói: – Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trì nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.

– Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.

– Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.

– Theo như ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.

– Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.

“Rồi người ấy đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.

“Tôi nói: – Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?

– Chúng tôi sẽ cướp quyền để tỏ cho cả nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.

– Các ông chắc là các nước đồng minh tin ở sức mạnh của các ông không?

– Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.

– Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử”.

Vâng, lịch sử dân tộc luôn công bằng nhưng liệu thứ lịch sử được kẻ chiến thắng làm méo mó có còn công bằng được hay không? Nó sẽ nảy sinh những chiều tranh luận! Lịch sử không chỉ kể về quá khứ, mà nó còn có giá trị đến hiện tại và tương lai, chính hành động của nhà cầm quyền đương thời sẽ chứng minh cho luận điệu nào là đúng và phù hợp lòng dân nhất. Lịch sử không chỉ kể về quá khứ, mà nó còn có giá trị đến hiện tại và tương lai.

3. Nói về bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh:

Bản tuyên ngôn này thực chất là hoàn toàn không cần thiết, vì từ ngày 11/3 trước đó, Hoàng Đế Bảo Đại, với tư cách nguyên thủ quốc gia và là người kế vị vua Tự Đức đã tuyên bố hủy bỏ hết các hòa ước bảo hộ mà Tự Đức đã kết với người Pháp rồi. Thế nên việc làm của Hồ Chí Minh chỉ là thừa thãi, vô nghĩa.

+ Ngày 13-7-1945, đích thân Trần Trọng Kim ra Hà Nội thương thuyết. Toàn quyền Nhật Bản Yuichi Tsuchihashi chịu trả ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, vốn là nhượng địa của Việt Nam cho Pháp từ năm 1888.

+ Nam Kỳ (cũ) nay là Nam Bộ vốn là thuộc địa của Pháp, theo quy chế riêng. Vì vậy, lúc đầu người Nhật trì hoãn việc trả Nam Bộ, nhưng sau người Nhật chịu giao Nam Bộ lại cho Việt Nam từ ngày 8-8-1945.

+ Nhưng vì nguyên nhân khách quan Nhật hoàng đầu hàng quân đồng minh ngày 14-8 sau khi liên tục nhận hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, trong thế hỗn mang, Nhật chưa kịp trao trả Nam Bộ cho Quốc gia Việt Nam, thì đã bị Việt Minh đảo chính.

+ Ngày 20-8-1945, Trần Trọng Kim từ bỏ ý định tiếp tục cầm quyền và tuyên bố đã hoàn thành hai sứ mệnh lịch sử là thống nhất lãnh thổ và đặt định nền tảng hành chánh căn bản cho đất nước. Chính phủ của ông họp phiên cuối cùng ngày 23-8-1945 rồi tự giải tán. Về phía vua Bảo Đại, hai ngày sau, 25-8-1945, nhà vua tuyên chiếu thoái vị.

Đi sâu hơn vào chi tiết, người ta thấy Bảo Đại và những vị thượng thư của ông đã tỏ ra rất thận trọng và cân nhắc từng câu, từng chữ để chỉ nói lên những gì cần phải nói và nói một cách rõ ràng, còn bản tuyên ngôn tại Ba Đình ngày 2/9 của Hồ Chí Minh thì dài lòng dòng, mang nặng tính cách xách động quần chúng. Ngay cả những tư tưởng chủ chốt liên hệ tới độc lập, tự do cũng phải đi vay mượn của người Mỹ hay người Pháp.

Mỹ đến thời điểm đó hầu như là một đồng minh của họ Hồ, như đã nói ở trên, ít người biết Mỹ đã cho quân nhảy dù xuống Ba Đình hôm đó để bảo vệ và xa hơn năm 1932, OSS (tiền thân CIA) đã can thiệp để cứu Hồ từ HongKong. Điều đó giải thích vì sao trong “Tuyên ngôn độc lập” của mình, ông ta chỉ công khai chỉ trích duy nhất Pháp, dù có trích dẫn từ cả hai nước đồng minh.


Như đã nói phía trên, là một con người mang nặng tư tưởng Cộng Sản, Hồ Chí Minh sẽ không dễ gì thuận theo người Mỹ thành lập một chính quyền minh bạch. Và sự thật là sau “Tuần lễ vàng” và xa hơn là hai cuộc “Cải cách ruộng đất” đẫm máu, bộ mặt của một tổ chức cộng sản càng rõ ràng hơn, khiến nước Mỹ từ ủng hộ Hồ Chí Minh sang cổ vũ hết mình cho cụ Ngô Đình Diệm. Với cùng một hệ tư tưởng, người tự xưng là “cha già dân tộc” này đã giao cho quân đội Mao Trạch Đông quyền kiểm sát thay thế nhằm tránh phải đối mặt với sự quay lại của người Pháp vốn đã được thoả thuận trong các hiệp định mà các bên có liên quan đã ký kết. Đó là một quyết định không những sai lầm mà đem lại tác dụng ngược với những mong đợi của ông ta. Bằng những viện trợ nhỏ giọt từ một Trung Quốc tiêu điều sau Thế Chiến II, nạn đói không những không được đẩy lùi, nó còn gia tăng hơn về mức độ, cướp đi mạng sống của gần 2 triệu con người.

Sau khi người Pháp thất bại trong việc bảo vệ thuộc địa của mình vào năm 1954 và phải ký kết hiệp định Geneva, hơn 1 triệu người tị nạn gốc Bắc (đã tìm đường tháo chạy trong lúc Nam - Bắc tạm thời tự do mở cửa biên giới, và rất có thể số người tị nạn sẽ còn nhiều hơn bội phần nếu hệ thống thông tin thời kỳ đó không bị hạn chế hoặc là thời gian cho cuộc tị nạn dài hơn. Không có lửa thì sẽ không có khói, và qua bài viết này, chúng tôi hy vọng những bạn đã nhận ra đâu phe chính nghĩa sẽ hiểu thêm về cái thứ được gọi là “độc lập” mà quân Việt Minh đã giành lấy từ việc cướp chính quyền hợp pháp của Trần Trọng Kim vào ngày này 72 năm trước. Thứ “độc lập” đó không có ý nghĩa gì ngoại trừ việc đăt nước ta dưới ách cai trị lớn hơn của quân Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc, hơn cả là đặt hàng triệu người con miền Bắc dưới tư tưởng "bạo động và tuyên truyền cướp chính quyền" của Việt Minh hay chính là Đảng Cộng sản về sau này. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới cuộc nội chiến 21 năm sau đó, và rồi là hàng chục năm tăm tối chưa có hồi kết khi mà nền dân chủ cuối cùng trên đất Việt bị xoá sổ...
Posted by

Hòa giải dân tộc: Đã đến lúc người Việt vượt qua chuyện thắng-thua

Hòa giải dân tộc: Đã đến lúc người Việt vượt qua chuyện thắng-thua

“Đã đến lúc người Việt phải vượt qua chuyện thắng- thua. Đất nước chúng ta đang rất cần một khối đoàn kết toàn dân để đối mặt với những thử thách mới, giải quyết những bài toán mới trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đấy mới chính là cái mà chúng ta cần hướng tới”.
GS TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ với VietTimes nhân dịp 41 năm thống nhất đất nước.
Bài học từ quá khứ
Thưa ông, mỗi khi nhắc đến truyền thống nhân nghĩa của người Việt “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”, “Lấy trí nhân để thay cường bạo”, chúng ta thường quay về với bài học của cha ông. Vậy, vấn đề hòa giải dân tộc được nhìn từ từ quá khứ như thế nào?
– Trước hết cần phải nói rằng Việt Nam chúng ta ở một vị trí địa chính trị khá đặc biệt. Vì vậy, hàng ngàn năm lịch sử đã chứng minh là chúng ta có muốn yên cũng không được. Đây là vùng đất giao thoa, có rất nhiều tác động từ bên ngoài mà chúng ta có muốn tránh cũng không được nên liên tục phải chống ngoại xâm. Không có một triều đại phong kiến phương Bắc nào không đem quân đánh chiếm Việt Nam. Có những triều đại đem binh hùng tướng mạnh đánh Việt Nam đến vài ba lần và cha ông chúng ta luôn phải gồng mình lên để chống lại các thế lực ngoại xâm.Vì vậy, có thể nói rằng, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước vàxây dựng đất nước luôn là nhiệm vụ song hành gánh trên vai của người Việt.
Đối với mọi dân tộc, việc phải chống giặc ngoài để bảo vệ sự tồn vong của mình đã là vô cùng gian nan, thì đối với dân tộc Việt Nam còn gian nan gấp bội. Bởi vì, từ cổ đến kim, ngoại bang đem quân xâm lược Việt Nam không có thế lực nào yếu, mà toàn những đế chế hùng mạnh. Chúng ta nên nhớ chống Nguyên Mông là sự kiện lịch sử có lẽ là thế giới cũng phải nghiêng mình kính trọng cha ông ta. Trước khi quân Nguyên Mông đến Việt Nam thì chưa có nước nào cản được đội quân hùng mạnh này. Họ đánh từ Địa Trung Hải sang đến Thái Bình Dương, đi đâu cũng san bằng hết, gọi là “vó ngựa quân Mông Cổ thì không ai ngăn cản được”, nhưng đến nước ta 3 lần, Đại Việt đều chiến thắng. Đó là chuyện có một không hai trong lịch sử thế giới.
Vậy tại sao cha ông chúng ta lại có thể chiến thắng kẻ thù mà tương quan lực lượng rất chênh lệch với mình? Chúng ta hãy nghe Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tổng kết rằng,“Thắng được giặc dữ là do trên dưới đồng lòng, anh em đồng thuận, cả nước góp sức”. Đấy là một bài học sáng giá cho thấy, kẻ thù hung hãn đến đâu mà toàn dân tộc thống nhất, đoàn kết thì cũng giành được chiến thắng. Chủ nghĩa yêu nước là thế, đại đoàn kết dân tộc là thế.
Nhưng cũng chính từ cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên chúng ta lại có một bài học thứ hai. Đó là lấy đại nghĩa làm trọng. Chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Hoàng đế Trần Nhân Tông bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp. Ngay khi từ phòng tuyến kháng chiến trở về Thăng Long, việc đầu tiên vị Hoàng đế chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc ấy bắt tay vào là đốt toàn bộ những sổ sách ghi chép bằng chứng của những người đã trót phản bội đầu hàng giặc. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” khi mô tả lại sự kiện này đã viết: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.
Rồi chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau cách mạng Tháng Tám, Người đã tập hợp được một Chính phủ với nhiều thành phần, giai tầng tham gia. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã rời bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài về tham gia khác chiến.
Đây là những bài học cho chúng ta thấy câu chuyện hòa giải nó quan trong như thế nào. Nó không chỉ là vấn đề của phía “bên này” hay phía “bên kia”mà nó là cốt lõi duy trì khối đoàn kết dân tộc. Nó là sức mạnh nội sinh, là lẽ sống của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Đã đến lúc thôi nói về câu chuyện thắng-thua
Ngay sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã nhận thức rất rõ, tuyên bố rằng một trong những việc đầu tiên phải làm là hòa hợp dân tộc. Hơn 40 năm đã trôi qua câu chuyện về hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn là vấn đề thời sự. Đâu là nguyên nhân, theo giáo sư?
– Có thể nói cuộc chiến tranh diễn ra trên đất Việt Nam hết sức khốc liệt, ghê gớm. Bởi vì sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, thế giới trở thành cục diện đối đầu hai phe mà bằng chứng rõ nhất, nguy hiểm nhất là cuộc chạy đua vũ trang dẫn tới kho vũ khí hạt nhân của hai phe ấy cộng lại có thể làm nổ tung 6 lần trái đất mà chúng ta đang sống. Nó khủng khiếp như thế, nó cạnh tranh nhau dữ dội như thế. Nhưng bất hạnh là ở chỗ cái điểm nóng nhất của mâu thuẫn này lại rơi vào mảnh đất miền Nam Việt Nam.
Ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu được đưa đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Ảnh: Ngọc Đản.
Với cách nhìn nhận như vậy, chúng ta mới thấy hết sự khốc liệt của cuộc chiến tranh này. Nó hủy hoại không chỉ thể xác mà còn hủy hoại ghê gớm tinh thần của dân tộc Việt. Nó chia rẽ giữa những người Việt Nam với nhau, giữa bên “thắng cuộc” và bên “thua cuộc”. Phía nào cũng có cái lý của mình. Phía “bên này” thì cho rằng mình là chính nghĩa, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Phía “bên kia” cũng nói rằng mình là chính nghĩa.
Chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện đó như một thực tế lịch sử. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những người nhìn ra vấn đề này khá sớm. Vì thế ông Kiệt mới nói: “Cứ đến 30/4 có hàng triệu người vui, cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi cho rằng ông cũng không phải đưa ra quan điểm cá nhân đâu mà có lẽ ông ấy bắt gặp những ý thức về tầm quan trọng của khối đoàn kết toàn dân mà nó từ ngàn xưa vang vọng lại, rồi từ tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta không nói về câu chuyện thắng- thua nữa. Cứ loay hoay chuyện bên này thắng, bên kia thua sẽ không có lời giải. Đã đến lúc người Việt Nam phải vượt qua chuyện thắng- thua, vươn tới một cái cao hơn. Đất nước chúng ta đang rất cần một khối đoàn kết toàn dân để đối mặt với những thử thách mới, để giải quyết những bài toán mới trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đấy mới chính là cái mà chúng ta cần hướng tới.
Không phải là phía “bên này” hay “bên kia” không hiểu được ý nghĩa của khối đại đoàn kết dân tộc, nhưng chiến tranh đã qua 40 năm rồi, thậm chí đã có thế hệ thứ 3 không liên quan gì tới chiến tranh, tới chuyện thắng- thua nữa rồi, nhưng sao câu chuyện thắng- thua cứ dai dẳng mãi như vậy?
– Như tôi đã nói, cuộc chiến tranh này khốc liệt quá. Sự tàn phá của nó trên cả phương diện vật chất, thể xác, lẫn tinh thần sâu sắc quá, lớn quá, nên vết hằn của nó cũng không phải dễ chữa, làm lành. Trong cuộc chiến tranh đó có những gia đình chết không còn ai, có những làng mạc bị thiêu trụi hết. Vì vậy, sự oán hận là khó tránh khỏi và cái oán hận ấy thường được dồn lên phía “bên kia” và có tâm lý là người thắng trận bao giờ cũng muốn trút tất cả những cái gọi là “nợ nần” về mất mát, đau khổ lên đầu những người được coi là thua trận. Ngược lại, phía thua trận cũng có những biện minh cho việc làm của họ. Ví dụ, họ cho rằng đấy là mỗi bên có một cách tiếp cận về vấn đề thống nhất đất nước, chống xâm lăng v.v.
Hòa giải: bắt đầu từ những người từng cầm súng
Vậy vấn đề cần được giải quyết như thế nào để tháo gỡ những day dứt này, thưa giáo sư?
– Tôi nghĩ rằng có ba vấn đề mà chúng ta phải xem xét. Thứ nhất, đừng đòi hỏi đâu xa mà đã đến lúc các cơ quan truyền thông, những người làm công tác tuyên truyền phải nhắc tới sự tự “giải phóng”, sự thanh thản ở chính mỗi con người chúng ta.Chúng ta có hàng triệu chiến sĩ đã ra mặt trận. Những người ấy, xét về mặt nào đó, họ có quyền để mà giữ lâu hơn cái mối thù này. Bởi trong số họ có người đã ngã xuống nơi chiến trường, có người đã mất một phần thân thể, có người cũng đã dành cả thời trai trẻ của mình nơi chiến trận mà lý ra họ phải có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vì vậy, nếu họ có trút những “hận thù” ấy lên phía đối lập cũng là chính đáng, không ai chê trách gì được. Nhưng, như tôi đã nói, có lẽ đã đến lúc phải gác lại mọi hận thù. Hướng về tương lai để cùng nhau xây dựng đất nước, vì tương lai của chính chúng ta. Vì vậy, tôi cho rằng việc hòa giải phải bắt đầu, và quan trọng nhất là chính từ những người đã từng tham chiến.
Thưa giáo sư, đấy là ông nói theo triết lý của một nhà khoa học hay cả từ thực tế của chính bản thân ông?
– Tôi nói như thế không phải tôi là người ngoài cuộc, tôi đã từng là một quân nhân, đã từng tham chiến ở chiến trường.Tôi có một câu chuyện thật là đầu thập niên 90 (thế kỷ 20) do công việc tôi có gặp TS James Reckner, khi ấy là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam của Đại học Texas, nơi lưu giữ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Ông ấy nguyên là Đại úy hải quân Mỹ, trước đây thuộc một đơn vị của Hạm đội 7. Khi biết tôi là lính, ông ấy hỏi tôi đóng quân ở đâu, tôi nói địa chỉ. Ông ấy nói rằng đó là cái vùng mà đơn vị ông thường xuyên pháo kích. Tôi bảo rằng, may mà tôi thoát được chứ nếu không may, trúng quả pháo của ông ấy thì sẽ không có ngày gặp mặt này.
Lúc ấy tôi có hai cách giải quyết: Một là, tôi coi ông ấy là tử thù, bởi vì tôi sống sót là do may mắn thôi. Nhưng có cách xử lý thứ hai: chuyện ấy đã qua rồi, cuộc chiến tranh ấy do nhiều lý do mà tôi và ông ấy chỉ là những người lính trên chiến trường thôi, bây giờ chúng tôi phải nhìn nhau theo cách khác. Sau đó chúng tôi đã có những hợp tác rất tốt với nhau trong nghiên cứu về Việt Nam. Đấy, có cách nhìn khác nhau trước một cái thực thể như thế, một vấn đề, hoàn cảnh như thế.
Chính vì thế mới nói, điều quan trọng nhất là những người tham chiến phải có cái nhìn độ lượng với nhau hơn, cao thượng hơn và vì tương lai của cả dân tộc. Với ý nghĩa đó, những người từng đứng trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng hòa, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng phải có cách nhìn khác đi, cao hơn, như đã nói. Tôi cho rằng hóa giải và tiến tới hòa giải, hòa hợp nên bắt đầu bắt đầu từ chính những người từng cầm súng.
Trước tiên hãy làm tốt công việc của mình
Nhiều nhân sĩ, trí thức, những người từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa cho rằng, chúng ta nói nhiều đến hòa hợp, hòa giải, nhưng đôi khi còn hình thức theo kiểu “ban phát”. Nói là tạo mọi điều kiện cho Việt kiều tham gia xây dựng đất nước, nhưng họ đâu có cơ hội tham gia quản lý đất nước. Ví dụ, có thể để một số người tham gia Quốc hội, MTTQ chẳng hạn. Vì sao chúng ta vẫn còn hạn chế?
– Trước hết cần phải nói là, vì đại nghĩa, vì khối đại đoàn kết dân tộc, có lẽ chúng ta cần phải có cái nhìn khác khác đi về “chủ nghĩa lý lịch”, hay nói đúng hơn là sự “kỳ thị”. Đã đến thế hệ thứ 3 rồi mà cứ nhắc đến lý lịch là vô tình nhắc các em, các cháu nhớ lại quá khứ; làm cho họ cảm thấy bị phân biệt đối xử.
Những người có công thì phải nhớ, phải đền ơn, đáp nghĩa. Chúng ta không bao giờ được phép lơ là việc làm nghĩa tình ấy. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, khi nhớ ơn là phải kỳ thị người khác. Mặc dù trong chính sách của Nhà nước hiện nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ được thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng điều quan trọng là phải phải cụ thể hóa bằng những cái chính sách cụ thể.
Còn việc các nhân sĩ, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn tham gia vào các công việc quản lý đất nước như trở thành Đại biểu Quốc hội, thậm chí tham gia vào bộ máy điều hành của Chính phủ ở những cấp độ khác nhau, vào MTTQ là điều hoàn toàn chính đáng. Hiện nay, về cơ bản, tôi nghĩ đã có cơ sở pháp lý cho việc ấy, tuy nhiên chúng ta phải thấy một điều là việc lựa chọn người vào các cơ quan quyền lực, chính trị nó phải có hai mặt: Mở cửa đón người tài, người tâm huyết ấy, nhưng đồng thời cũng phải có một cơ chế sàng lọc để không lọt vào bộ máy lãnh đạo những người cơ hội, thậm chí là có động cơ không trong sáng. Đấy chính là điều khó khăn, mà theo tôi, các nhà quản lý, lãnh đạo đang cân nhắc.
Vì vậy, tới đây có lẽ là phải có một cơ chế thế nào đó để có thể lọc tìm ra được những người thực sự có tâm, có tài để tham gia vào các cơ quan công quyền điều hành đất nước. Tôi nghĩ, trước mắt thì những người có tâm huyết hãy thể hiện mình bằng những công việc có thể chưa trực tiếp vào tham gia điều hành đất nước, nhưng qua quá trình đóng góp trực tiếp ấy thì dần dần cũng sẽ có cơ hội để trở thành những người giữ những vai trò trọng trách trong bộ máy công quyền.
Xin cám ơn giáo sư!
GS TSKH Vũ Minh Giang, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Liên ngành Lịch sử- Khảo cổ, Dân tộc học.
Với những cống hiến hết sức quan trọng cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của đất nước, GS TSKH Vũ Minh Giang đã được Đảng, Nhà nước ta và nước ngoài tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động hạng Ba (2005) và hạng Hai (2010), Huân chương Cành cọ hàn lâm của Chính phủ Cộng hòa Pháp (2007), Giải thưởng công trình khoa học công nghệ tiêu biểu (2009), 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2002 và 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nguồn : Viettimes.vn
 http://doilinh.net/hoa-giai-dan-toc-da-den-luc-nguoi-viet-vuot-qua-chuyen-thang-thua.dl/amp