Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Chủ tịch Trung Quốc tố giác « âm mưu tạo phản » trong đảng Cộng Sản

Chủ tịch Trung Quốc tố giác « âm mưu tạo phản » trong đảng Cộng Sản

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa.Flickr.com
Chính quyền Trung Quốc bị lung lay vì những âm mưu chính trị, tham ô, lạm quyền, gian lận bầu cử. Trên đây là những lời cảnh cáo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước hàng trăm đảng viên cao cấp vào tuần trước, mới được tiết lộ hôm nay.
Báo đảng Nhân Dân Nhật Báo trong số ra ngày hôm nay, 03/11/2016, cho biết nội dung hai văn kiện liên quan đến hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi tuần trước và bình luận của lãnh đạo Tập Cận Bình.
Theo nhân vật số một của Trung Quốc, từ nay có thêm tước hiệu « hạch tâm » (hạt nhân), thì đảng Cộng Sản bị lung lay vì lòng tham không đáy của một « nhóm lãnh đạo bị tiền tài và quyền lực làm mê hoặc, giả vờ tôn trọng đường lối của đảng, thành lập phe nhóm phục vụ quyền lợi riêng tư và mưu toan chính trị ».
Chủ tịch Trung Quốc thừa nhận là các chiến dịch bài trừ tệ đoan trong nội bộ đảng Cộng Sản không mang lại kết quả : Tệ nạn gia đình trị, con ông cháu cha và gian lận bầu cử không chấm dứt, nạn lạm quyền, tham ô, vi phạm pháp luật và kỷ luật cũng gia tăng.
Theo Nhân Dân Nhật Báo, liều thuốc mới đối phó với tình trạng bất trị này là tăng cường các nguyên tắc nghiêm khắc kiểm soát đảng viên như : không tuyên bố, không phán tán tài liệu đi ngược lại chủ trương và đường lối chính thức.
Tuy nhiên, theo nhận định của AFP, chỉ đạo chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc không áp đặt các biện pháp cụ thể như « kê khai tài sản » và « giám sát độc lập ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161103-chu-tich-trung-quoc-to-giac-%C2%AB-am-muu-tao-phan-%C2%BB-trong-dang-cong-san

‘Tiếu lâm’ CSVN: ‘Cách chức’ Vũ Huy Hoàng khi không còn chức

‘Tiếu lâm’ CSVN: ‘Cách chức’ Vũ Huy Hoàng khi không còn chức

Ông Vũ Huy Hoàng khi còn đương chức bộ trưởng Công Thương. (Hình: Getty Images)
Tư Ngộ/Người Việt
HÀ NỘI (NV) – Cựu Bộ Trưởng Bộ Công Thương CSVN Vũ Huy Hoàng bị “Ban Bí Thư” Trung Ương đảng CSVN lột cái chức mà ông ta không còn giữ sau khi đã hết làm bộ trưởng.
Ngày 3 tháng 11, 2016, Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đưa bản tin và các báo chính thống của chế độ đăng tải lại gần như nguyên con cuộc họp ngày 2 tháng 11, 2016 của Ban Bí Thư Trung Ương đảng CSVN do chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ngồi chủ tọa “xem xét thi hành kỷ luật trong công tác cán bộ đối với Ban Cán Sự Ðảng Bộ Công Thương và nguyên ủy viên Trung Ương Ðảng, nguyên Bí Thư Ban Cán Sự Ðảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.”
TTXVN nói rằng sau khi đã xem xét các vi phạm khuyết điểm của cả Ban Cán Sự Ðảng (tập thể) cũng như bí thư Ban Cán Sự Ðảng (cá nhân) là Vũ Huy Hoàng, thì ông này đã bị cái “Ban Bí Thư” nói trên của Trung Ương Ðảng CSVN “Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức bí thư Ban Cán Sự Ðảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên ủy viên Trung Ương Ðảng, nguyên bí thư Ban Cán Sự Ðảng, nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương.”
Tại Việt Nam, ở tất cả các bộ ngành, cơ quan nhà nước đều có các bộ phận thanh tra. Chính phủ trung ương cũng có một cơ quan ngang bộ là “Tổng Thanh Tra Chính Phủ.” Nói chung, từ trên xuống dưới ở nước Việt Nam “dân chủ đến thế là cùng” (như lời ông Nguyễn Phú Trọng) ngõ ngách nào cũng có “thanh tra” nhưng những việc làm bị coi là trái với điều lệ của đảng CSVN và trái với pháp luật của nhà nước đều không hề thanh tra, phát giác, trừng phạt. Ðợi tới khi ông Hoàng không còn ngồi ở cái ghế bộ trưởng nữa thì đủ mọi thứ sai trái của ông ta mới bị moi ra. Cái chức vụ “Bí Thư Ban Cán Sự Ðảng” ở Bộ Công Thương ông ta không còn nắm giữ nữa thì lột chức đó có tác dụng gì?
Ông Vũ Huy Hoàng, 63 tuổi, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Công Thương suốt 2 nhiệm kỳ, từ đầu tháng 8 năm 2007 đến 8 tháng 4, 2016 dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng. Ông đã từng nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau từ trung ương đến Tỉnh Ủy Lạng Sơn, chủ tịch tỉnh Hà Tây trước khi được trao cho cái ghế bộ trưởng.
Hồi tháng 6 vừa qua, Hiệp Hội Các Nhà Ðầu Tư Tài Chính (VAFI) đã gởi thư chất vấn tới ông nguyên Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng và thấy nhiều báo tại Việt Nam đưa tin về việc Bộ Công Thương dưới thời ông làm bộ trưởng đã bổ nhiệm con trai ông là Vũ Quang Hải làm lãnh đạo Sabeco.
Sabeco là tên ngắn của Tổng Công Ty Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn, xí nghiệp quốc doanh lớn hàng đầu ở Sài Gòn. Năm 2015, ông Vũ Quang Hải, lúc đó 28 tuổi, đã được Bộ Công Thương đưa về Sabeco trong tư thế hàm phó vụ trưởng để làm thành viên HÐQT, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức phó tổng giám đốc.
Trước đó, năm 2011, ông Vũ Quang Hải từng được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Tổng Công Ty Cổ Phần Ðầu Tư Tài Chính Công Ðoàn Dầu Khí VN (PVFI – trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách). Trong hai năm mà ông Hải trực tiếp điều hành, theo VAFI, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng này đã lỗ liên tiếp hai năm liền, hơn 220 tỉ đồng.
VAFI đặt câu hỏi với ông Vũ Huy Hoàng rằng: Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4,700 cổ đông?
Cũng trong thời gian này, khởi sự từ chuyện xe tư mà gắn “biển xanh” tức bảng số xe công vụ, những tiết lộ về chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, từ Bộ Công Thương của ông “điều” về tỉnh Hậu Giang làm phó chủ tịch UBND, trúng cử Quốc Hội bị lôi ra kèm những cáo buộc về các thất thoát thua lỗ 3,200 tỉ đồng của Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) khi ông ta làm sếp.
Vụ việc rúng động dư luận khi ông ta trốn ra nước ngoài, nhà cầm quyền truy nã quốc tế và bắt giữ ba ông nguyên là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và kế toàn trưởng của PVC để điều tra. Báo chí trong nước tiếp tục tố ông Vũ Huy Hoàng “quy hoạch” ông Trịnh Xuân Thanh lên làm thứ trưởng ở Bộ Công Thương.
Theo bản tin tường thuật của TTXVN, Ban Bí Thư đảng CSVN “hài tội” “Ban Cán Sự Ðảng Bộ Công Thương” là đã “buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của đảng, pháp luật của nhà nước về công tác cán bộ và vi phạm quy chế làm việc của Ban Cán Sự Ðảng Bộ Công Thương. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm quy định về công tác cán bộ trong một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng,” mà trong đó, ông Vũ Huy Hoàng là kẻ cầm đầu (bí thư) .
Cuối cùng thì, theo TTXVN, ông Vũ Huy Hoàng bị “kỷ luật bằng hình thức cách chức bí thư Ban Cán Sự Ðảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016,” tức là 7 tháng sau khi ông ta không còn ngồi ở cái bộ đó nữa.
Mời độc giả xem video: Hai tàu cá Lý Sơn bị tàu Trung Quốc đập phá, cướp tài sản
Người ta không rõ sau cái trò “đánh không khí” này, ông Vũ Huy Hoàng có bị khởi tố gì không, vì như bản tin nói trên, ông ta “vi phạm pháp luật của nhà nước” mà không hề thấy ông ta bị điều tra gì cả.
Trước khi bị “Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng” CSVN lột chức đã không còn giữ của ông Vũ Huy Hoàng, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN ra một quyết định “cảnh cáo” ông ta về “các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán Sự Ðảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó có việc để con trai làm lãnh đạo Sabeco, việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang…”
Lời cảnh cáo cũng chỉ được đưa ra vào cuối tháng 10vừa qua, tức cũng gần 7 tháng kể từ khi ông ta không còn ngồi ở ghế bộ trưởng Bộ Công Thương nữa. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/cach-chuc-vu-huy-hoang-khi-khong-con-chuc/

Vụ cháy 13 người chết, ai chịu trách nhiệm và ai nên từ chức?

Vụ cháy 13 người chết, ai chịu trách nhiệm và ai nên từ chức?

(Dân Việt) Đang là tháng 11.2016, và ngay tại Thủ đô, những cái chết từ sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý, sự tắc trách, cẩu thả và liều mạng của những người liên quan, thật đau lòng, vẫn đến – đi một cách lãng xẹt và không thể hiểu nổi. 

Thứ Năm, ngày 03/11/2016 06:30 AM (GMT+7)       vu chay 13 nguoi chet, ai chiu trach nhiem va ai nen tu chuc? hinh anh 1
Những thi thể được lực lượng pháp y đưa ra xe sau đám cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông. Nguồn: Internet
Liên quan tới vụ cháy quán karaoke 9 tầng trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến 13 người chết, rạng sáng 2.11, cơ quan chức năng đã có những thông tin ban đầu.
Chủ tịch quận Cầu Giấy (Hà Nội) xác nhận, quán karaoke bị cháy trên đường Trần Thái Tông chưa đủ điều kiện kinh doanh, bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần. Ông cũng cho biết chỉ trong tháng 10.2016, các cơ quan chức năng đã 3 lần kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu chủ của cơ sở này “đóng quán”.
Cụ thể, ngày 12.10, lực lượng liên ngành của quận này đã kiểm tra và xác định cơ sở này chưa đủ điều kiện hoạt động. Ngày 17.10, chủ cơ sở ký cam kết chỉ kinh doanh khi đủ điều kiện. Ngày 25.10, công an phường có yêu cầu cơ sở dừng hoạt động.
Theo như lời ông Chủ tịch quận thì rõ ràng cơ quan chức năng của quận đã vào cuộc, phần nào đã thể hiện một phần chức trách quản lý của mình trên địa bàn. Thế nhưng, khi nghe những thông tin này, dư luận vẫn chưa cảm thấy yên tâm. Bởi, 3 lần kiểm tra nhắc nhở, mà sao quán chưa đóng? 13 người chết, đau xót thế giờ hỏi trách nhiệm ai?
Tại thành phố, một quán trà đá bé xíu mọc lên giữa vỉa hè còn bị nhắc nhở, kiểm tra thậm chí tịch thu tới “lên bờ xuống ruộng”, đằng này là cả một quán karaoke đồ sộ 9 tầng án ngữ giữa mặt phố Thủ đô không có “phép”, cũng không đủ bất cứ điều kiện gì mà vẫn hoạt động một cách rầm rộ, ngang nhiên thì quả là quá lạ kỳ.
Bởi chính quyền quận, huyện có trong tay cả một lực lượng hùng hậu ngày đêm đi “chinh phạt” quán nước, “tóm” hàng rong, bắt nhà xây, sửa trái phép… Chưa kể chính quyền quận, phường còn có khả năng yêu cầu nhà cung cấp cắt điện, cắt nước. Trong trường hợp quán karaoke trên phố Trần Thái Tông này mà họ kiên quyết như những công trình khác thì làm sao có thể xảy ra hỏa hoạn?
Đằng này, lạ kỳ là qua mấy đợt kiểm tra, quận, phường chỉ “yêu cầu”, “cam kết” và lại “yêu cầu” chứ chẳng có động thái nào quyết liệt như cưỡng chế bắt dừng hoạt động kinh doanh chẳng hạn.
Được biết, chủ quán karaoke này còn rất trẻ, người này đã từng làm việc với các đoàn kiểm tra trước khi xảy ra vụ cháy thương tâm vào ngày 1.11. Lẽ thường, nếu là người kinh doanh đơn thuần thì luôn tìm mọi cách để tối ưu hóa lợi nhuận, tìm đủ mọi cách để thu lại đồng tiền đã đầu tư, bỏ ra một cách nhanh chóng nhất hòng thu lại đồng vốn. Do đó, chả dại gì mà “người ta mới yêu cầu mà mình đã thôi, dừng hoạt động”.
Và điều đáng buồn nữa là cơ quan chức năng đã bước đầu xác định, nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông và lan sang cả loạt nhà khác là do người thợ hàn thi công tấm biển quảng cáo của quán này một cách cẩu thả.
Một lý do không cũ cũng chẳng mới.
Bởi vì trước vụ cháy này, ngay giữa Hà Nội, một vụ cháy đình đám khác, kéo theo sự nổi tiếng bất đắc dĩ của một hotgirl khá thông minh, lanh lợi khi buộc phải tháo chiếc áo ngực thấm ướt rồi che mũi, miệng thoát cháy một cách ngoạn mục. Đó là đám cháy tại quán karaoke 85 Nguyễn Khang. Trong vụ cháy này, giống như vụ cháy tại phố Trần Thái Tông, nguyên nhân cũng được xác định là do thợ tiến hành thi công, thử nghiệm hệ thống âm thanh, biển quảng cáo một cách bất cẩn.
Rồi trước đó nữa là ngày 31.8, tại quán karaoke ZoZo ở số 157 phố Vũ Tông Phan (cũng Hà Nội) cũng xảy ra vụ cháy lớn, cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải rất vất vả mới dập được lửa. Nguyên nhân cũng là do “anh thợ hàn xì”.
Điều lạ, ngoài nguyên nhân như trên, điểm chung của những tất cả những quán karaoke bị cháy này đều là chưa có phép hoạt động và cũng chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy… Và điểm chung nữa là tất cả đều hoạt động ngang nhiên, rầm rộ như là có phép. Để rồi những hậu quả thương tâm  xảy đến.
Chúng ta luôn phải nghe về những cái chết lãng xẹt: Đang đứng chơi ở đường bị tôn cứa cổ, chạy theo xe buýt rớt xuống hố ga, ăn chơi cũng chết vì anh thợ hàn v.v…
Không nói đâu xa, ngay tại phố cổ Cửa Bắc giữa trung tâm Hà Nội, một chủ ngôi nhà đã cũ nhiều lần kiến nghị, đề nghị không thể cho nhà hàng xóm thi công vì lo sợ nhà mình sẽ đổ sập. Thế nhưng, cũng không hiểu tại sao việc thi công lại càng tăng cả quy mô lẫn mức độ, để rồi đến rạng sáng ngày 4.8, căn nhà số 43 Cửa Bắc của chủ nhà này đã đổ sập hoàn toàn kéo theo cái chết của 2 người, nhiều người bị thương.
Những vụ việc trên, trước khi sự thể xảy ra, cơ quan chức năng cũng đã có ý kiến, nhắc nhở, thế nhưng những người liên quan đều bỏ ngoài tai, cơ quan chức năng thì “hết động thái” và cuối cùng một số người dân nào đó bỗng dưng trở thành nạn nhân chỉ vì “thiếu may mắn”.
Ở đây, tôi có cảm giác như những cơ quan gần dân nhất, cấp chính quyền thấp nhất, có thể hoàn thành tốt chức trách là “công bộc của dân” thì lại đang làm cho xong chuyện, qua loa, thiếu trách nhiệm. Quan sát những vụ việc cụ thể, nổi cộm gần đây, với những chỉ đạo rất nhanh, cụ thể và quyết liệt của mình thì dường như những cơ quan Trung ương thay vì chỉ đạo qua các cấp trung gian phía dưới lại đang phải xử lý từng vụ việc một bởi khoảng trống về vai trò và trách nhiệm chưa được lấp đầy ở mắt xích trung gian.
Rõ ràng, để xảy ra những hậu quả thương tâm và chua xót này, hơn ai hết trách nhiệm đầu tiên chính là ở cấp chính quyền cơ sở: Trực tiếp là cấp phường. Thế nhưng, với chức năng quản lý, giám sát và đã được phân cấp của mình, những cá nhân, tổ chức cấp quận nơi để xảy ra vụ việc thương tâm (hoàn toàn có thể tránh được nếu có động thái quyết liệt) cũng không thể nào vô can bởi đã không giám sát, làm tròn nhiệm vụ và để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như trên. Và hơn bao giờ hết, có lẽ thời điểm này những cá nhân liên quan nên tự vấn lương tâm và trách nhiệm của mình, thậm chí hãy từ chức ngay nếu còn tự trọng bởi 13 mạng người đâu thể đùa được!

(Dân Việt)