Vào lúc 16 giờ 26/8/2016 vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng C46, Bộ Công An bắt đầu tiến hành khám xét nhà anh Trịnh Xuân Thanh tại khu đô thị Nam Thăng Long Biệt thự Ciputra, Tây Hồ – Hà Nội. Và có lẽ vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh cũng đã chuẩn bị đến hồi kết và kẻ gieo gió sẽ lại gặp bão.
Ông Trịnh Xuân Thanh khi đương chức. |
Từ sự việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – ông Trịnh Xuân Thanh đi chiếc xe Lexus 570 gắn biển xanh 95A-0699 gây xôn xao dư luận đến việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng, hành trình của những kẻ từ đỉnh cao của danh vọng đến bùn đen song sắt đang hiện hữu phía trước đối với Trịnh Xuân Thanh. Cùng điểm lại vụ việc lùm xùm liên quan đến vị từng là Phó CHủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Trịnh Xuân Thanh:
Được biết, trước khi nhậm chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, quê xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) là xuất thân từ một doanh nhân. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 1990, sau đó sang Đông Âu làm ăn. Năm 1995 về nước và từ năm 1996 đến năm 2000, ông làm Phó Giám đốc Công ty Detesco của Trung ương Đoàn. Những năm 2000-2004, ông Thanh làm Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng Công ty Sông Hồng, Việt Trì, Phú Thọ. Từ năm 2005 – 2007, ông làm Phó Tổng rồi Tổng giám đốc của Tổng Công ty Sông Hồng.
Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013, ông Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Được coi là “thuyền trưởng” nhưng trong giai đoạn này ông Trịnh Xuân Thanh đã lèo lái để “con tàu PVC” chìm trong thua lỗ, nợ nần triền miên. Năm 2007, ông Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều về làm Phó tổng giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVC.
PVC là một tổng công ty lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời điểm tháng 1/2011, Tcty này đã từng được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã từng được tặng Huân chương lao động hạng Nhất. Nhìn chung, PVC đã có nhiều thời điểm huy hoàng, nổi danh trên thị trưởng chúng khoán với mã PVX.
Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm. Dưới thời điều hành của Chủ tịch Trịnh Xuân Thanh, PVC sử dụng phần vốn điều lệ đáng kể đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.848 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên (trong đó có PVC) đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước. Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC được tham gia thực hiện với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công. Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước. Theo các báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và kiểm toán, trong giai đoạn năm 2011 đến năm 2013, PVC đã để xảy ra thua lỗ khoản tiền hơn 3.200 tỷ đồng và nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Rõ ràng, với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Tuy nhiên, ông Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân. Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Và Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá việc làm của ông Thanh là thiếu gương mẫu, vi phạm qui định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”. Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đánh giá qua kiểm tra nhận thấy trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ...Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm.Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ; Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận với ông Trịnh Xuân Thanh và báo cáo Tổng Bí thư, ngày 18/7, Văn phòng Trung ương Đảng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Trịnh Xuân Thanh. Đặc biệt, để tiếp tục làm rõ và kết luận những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh Tổng Bí thư đã giao Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ hơn 3.200 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; chỉ đạo xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cấp biển số xe công trái quy định, rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét lại việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và một số cá nhân; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 và đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương) trên tinh thần “bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.
Và việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng C46, Bộ Công An bắt đầu tiến hành khám xét nhà anh Trịnh Xuân Thanh tại khu đô thị Nam Thăng Long Biệt thự Ciputra, Tây Hồ – Hà Nội cũng đã báo hiệu về cái giá mà Trịnh Xuân Thanh cùng đồng bọn đã gây ra khi để thất thoát tài sản lớn nêu trên xảy ra tại Tổng Công ty PVC và Công ty PVC-ME cùng một số công ty con khác. Và đây cũng là lời cảnh báo, là bài học cho những kẻ đang lợi dụng chức quyền, địa vị của mình để tiến hành tham ô, tham nhũng gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của đất nước.