Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Ngăn biểu tình, CA ‘bắt hàng trăm người’ ở Tp.HCM


Ngăn biểu tình, CA ‘bắt hàng trăm người’ ở Tp.HCM


Cảnh sát phong tỏa trung tâm Tp.HCM để ngăn cản biểu tình, 17/6/2018
Công an tại thành phố lớn nhất Việt Nam hôm 17/6 đưa 140 người “có dấu hiệu, hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng” về trụ sở “để làm việc”, theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động tại địa phương viết trên mạng xã hội Facebook rằng số người bị nhà chức trách thành phố bắt “lên đến gần 200 người”.
Một tuần trước, các cuộc biểu tình có hàng ngàn người tham gia ngày 10 và 11/6 đã nổ ra ở một loạt tỉnh, thành để phản đối hai Dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Báo chí trong nước dẫn thông tin từ công an cho hay, có 300 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình này.
Nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội kèm với lời cáo buộc là cảnh sát và nhân viên an ninh nhà nước đã đánh đập, kéo lê, bắt bớ người biểu tình.
Riêng tại Bình Thuận, biểu tình đã leo thang thành bạo loạn với kết cục là một số xe cộ và tòa nhà thuộc chính quyền địa phương bị đốt phá.
Sau đó, đã xuất hiện trên mạng xã hội lời kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình vào ngày 17/6. Theo Reuters, vào ngày này, ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra các cuộc “tuần hành ôn hòa” của các giáo dân bày tỏ phản đối Dự luật Đặc khu đang bị hoãn và Luật An ninh mạng mới được thông qua.
Không có tin tức nào cho biết người biểu tình có xuống đường ở các địa phương khác của Việt Nam hay không.
Tôi cũng muốn đồng hành cùng đồng bào, cất lên tiếng nói yêu nước, nhưng mà không nghĩ là khi mình thể hiện tiếng nói yêu nước của một công dân thì lại bị đàn áp, bắt bớ như vậy
Anh Lý Bình
Nhiều người ở Tp.HCM tố cáo qua các tài khoản Facebook cá nhân rằng các nhân viên công an, an ninh thành phố hôm 17/6 buộc họ phải ở nhà, hoặc bắt giữ họ để ngăn chặn biểu tình nổ ra.
Các nhà hoạt động và người dân nói trên Facebook rằng nhà chức trách Tp.HCM đã “tùy tiện bắt người”. Theo lời họ, tại trung tâm thành phố từ sáng cho đến chiều ngày 17/6, công an có lúc “xô vào bắt “những người đang ngồi trong quán café”, lúc khác công an “vây quanh” người đang đi bộ “rồi đẩy lên xe đưa về đồn”.

Anh Lý Bình bị công an Tp.HCM tạm giữ gần 1 ngày hôm 17/6/2018
Anh Lý Bình bị công an Tp.HCM tạm giữ gần 1 ngày hôm 17/6/2018
Anh Lý Bình, 32 tuổi, một trong những người rơi vào hoàn cảnh như vậy, cho VOA biết, anh và một số người khác bị bắt ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, khi “chỉ uống cà phê và ra chụp hình”. Công an các cấp khác nhau đã “câu lưu” anh trong hơn 20 tiếng, anh cho hay.
Người đàn ông trẻ lâu nay tích cực lên tiếng về các vấn đề quan trọng của đất nước bày tỏ suy nghĩ về hành xử của phía chính quyền:
“Tôi vô cùng bức xúc và cảm thấy không hợp lý với một nhà nước mà gọi là bảo vệ cho dân. Tôi cũng muốn đồng hành cùng đồng bào, cất lên tiếng nói yêu nước, nhưng mà không nghĩ là khi mình thể hiện tiếng nói yêu nước của một công dân thì lại bị đàn áp, bắt bớ như vậy”.
Cá nhân anh không bị đánh đập, nhưng anh chứng kiến những người khác không được may mắn như vậy. Anh tường thuật thêm với VOA:
"Vào đó, tôi thấy có những người bị họ [công an] đánh, còng tay, các thứ”.
Tôi không có thừa nhận do là mình bị bắt cóc. Lúc đó thì bị tra tấn của những tên an ninh. Lúc đó, tôi quyết định tuyệt thực, không nói lời nào nữa, quyết định giữ quyền im lặng của bản thân
Anh Nguyễn Tín
Trong số những người bị công an Tp.HCM “đưa về trụ sở để làm việc”, có những người bị bắt trước ngày 17/6 tới cả hai ngày.
Anh Nguyễn Tín, 28 tuổi, người tham gia các hoạt động thúc đẩy tự do, dân chủ trong 2 năm qua, cho VOA biết anh bị công an một phường của quận Tân Bình cưỡng chế về đồn hồi 10h tối ngày 15/6. Bị tra hỏi về việc tham gia như thế nào vào cuộc biểu tình trước đó 5 ngày, song anh “từ chối hợp tác”.
Anh kể lại:
“Tôi không có thừa nhận do là mình bị bắt cóc. Lúc đó thì bị tra tấn của những tên an ninh. Lúc đó, tôi quyết định tuyệt thực, không nói lời nào nữa, quyết định giữ quyền im lặng của bản thân. Không có làm việc với những tên an ninh nữa, thì bị những cú đấm, những cùi chỏ vào đầu”.
Trên Facebook hôm 18/6, nhà hoạt động này đăng ảnh chụp nội dung toa thuốc sau khi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trong đó bác sĩ chẩn đoán “chấn thương phần mềm đầu khai do bị đánh”.
Bên cạnh lời tự thuật của hai anh Nguyễn Tín và Lý Bình, giới hoạt động ở Tp.HCM chia sẻ những hình ảnh trên mạng xã hội về các trường hợp mà theo lời họ “bị công an bắt và đánh đập tàn tệ”, trong đó có các anh Đặng Minh Ty và Trịnh Toàn bị đánh đến mức phải đi bệnh viện.

Có cáo buộc là nhà hoạt động Trịnh Toàn bị công an Tp.HCM đánh trọng thương hôm 17/6/2018
Có cáo buộc là nhà hoạt động Trịnh Toàn bị công an Tp.HCM đánh trọng thương hôm 17/6/2018
VOA cố gắng liên lạc với công an thành phố để xác minh các thông tin nêu trên qua các số điện thoại nóng đăng trên trang web chính thức của họ, song không kết nối được.
Trên trang cá nhân, luật sư Lê Luân viết: “Bắt bớ người dân không cần (trát) lệnh của toà án hay viện kiểm sát trong một vụ án hình sự đã là một sự vô pháp nghiêm trọng và phải bị trừng trị nghiêm minh theo pháp luật”.
Người thường xuyên phân tích, bình luận về các sự kiện ở Việt Nam viết thêm: “Nếu đám người nào đó đánh người đi biểu tình đến bất tỉnh và chấn thương sọ não, tràn máu não thì đó là hành vi man rợ và là tội phạm có dấu hiệu của tội giết người, dù bất kể kẻ đó là ai, nhân danh bất cứ điều gì và vì bất kỳ mục đích (an ninh) nào đi nữa”. Đi cùng bài viết là hình anh Trịnh Toàn đang nằm trên giường bệnh.
Tôi là một người dân có tình yêu với quê hương đất nước và luôn đòi hỏi tự do dân chủ cho một Việt Nam tốt đẹp. Thì những sự bắt bớ, đánh đập, tra tấn cũng như là tù đày sẽ không làm ý chí và hành động của tôi bị ngăn lại
Anh Nguyễn Tín
Võ sư Đoàn Bảo Châu, người cũng là một nhà văn có nhiều ảnh hưởng, viết trên Facebook rằng ông “cực lực phản đối cách dùng nhục hình, ép cung” của công an Tp.HCM. Ông gọi đó là “vô pháp, lạm quyền thô bỉ và tàn nhẫn”.
Đông đảo người sử dụng mạng xã hội cũng bày tỏ sự ủng hộ những quan điểm này và đưa ra các ý kiến tương tự.
Sau các cuộc biểu tình hôm 10 và 11/6, báo chí Công An Nhân Dân hôm 13/6 nói, một số người biểu tình ở Bình Thuận “nhận 300.000 đồng từ một kẻ kích động là phụ nữ”. Các nhà hoạt động và nhiều người dân bày tỏ rằng họ không thấy có bằng chứng thuyết phục trong bài báo.
Bản thân là người đi biểu tình, anh Nguyễn Tín bác bỏ thông tin trên báo nhà nước, đồng thời chia sẻ về động lực của anh:
“Những điều đó là hoàn toàn sai sự thật và nó hoàn toàn chỉ mang tính chất tuyên truyền của nhà chức trách thôi. Tôi là một người dân có tình yêu với quê hương đất nước và luôn đòi hỏi tự do dân chủ cho một Việt Nam tốt đẹp. Thì những sự bắt bớ, đánh đập, tra tấn cũng như là tù đày sẽ không làm ý chí và hành động của tôi bị ngăn lại”.
Trong các tuyên bố riêng rẽ hôm 15 và 18/6, tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW và Ân xá Quốc tế lần lượt kêu gọi Việt Nam “chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp” và “sử dụng vũ lực” chống lại những người biểu tình, cũng như cần phải “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” những người biểu tình bị giam, bên cạnh đó là “tiến hành điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả” đối với những cáo buộc về việc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ.

 https://www.voatiengviet.com/a/ngan-bieu-tinh-ca-bat-hang-tram-nguoi-o-tphcm/4443854.html

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

"Việt Nam chỉ là "hạ quốc": Học giả Trung Quốc bình luận chiến lược của Hà Nội ở Biển Đông

"Việt Nam chỉ là "hạ quốc": Học giả Trung Quốc bình luận chiến lược của Hà Nội ở Biển Đông
https://sptnkne.ws/hafz
Việt Nam và Biển Đông 


"Với các "hạ quốc" như Việt Nam thì dù có sát nách ta, cũng chẳng đáng xem"...Trung Quốc có cả một đội ngũ nghiên cứu, theo dõi nhất cử nhất động của Hà Nội trên Biển Đông và trong quan hệ với các nước khác. Còn Việt Nam đường như đã chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên Biển Đông.

Vấn đề được tác giả Bổ Nhất Đao và một số học giả Trung Quốc đặt ra trong bài báo đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/3/2018, tròn 30 năm ngày thảm sát Gạc Ma.
Trong phần này, các tác giả Trung Quốc bình luận về chính sách của Việt Nam trên Biển Đông, để làm cơ sở đề xuất một số giải pháp với giới hoạch định chính sách Trung Nam Hải mà chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết tới. 
Vẫn với bố cục 2 phần để đảm bảo tính khách quan, minh bạch của thông tin, xin mời quý bạn đọc theo dõi phần quan điểm, lập luận của một số học giả Trung Quốc trong phần in nghiêng, chú thích và bình luận của người viết in thẳng.
Tiêu đề phụ của bài viết do chúng tôi đặt để làm nổi bật thông điệp của mỗi bên.
Đối ngoại chiếu trên
Giáo sư Hứa Kỷ Lâm, Đại học Sư phạm Hoa Đông.
Giáo sư Hứa Kỷ Lâm, Đại học Sư phạm Hoa Đông.
Giáo sư Hứa Kỷ Lâm từ Đại học Sư phạm Hoa Đông từng nói:
"Cái thế ngoại giao của Trung Quốc về mặt tập quán có thể phân thành thượng quốc và hạ quốc. Với các thượng quốc như Hoa Kỳ, (Trung Quốc) thường quan sát tỉ mỉ chân tơ kẽ tóc, việc nhỏ đến đâu cũng xem là việc lớn. Còn với các "hạ quốc" như Việt Nam thì dù có sát nách ta, cũng chẳng đáng xem, cho nên thiếu những hiểu biết tối thiểu về họ. Những nước nhỏ như thế có lúc còn khó đối phó hơn là nước lớn. Muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia, đầu tiên phải tìm hiểu quốc gia láng giềng bất khuất, đồng chủng đồng văn với chúng ta.
Lời của Giáo sư Hứa Kỷ Lâm tuy có hơi nặng, nhưng cho thấy rất rõ vấn đề. Ví như Việt Nam trong giai đoạn trước đây, họ đã âm thầm làm tốt được mấy việc ngay trước mắt chúng ta."
7 điểm "tổng kết" của tác giả Bổ Nhất Đao về chính sách của Việt Nam trên Biển Đông qua lăng kính học giả Trung Quốc
"Thứ nhất là thúc đẩy việc xây dựng đảo, đá. 
Đến cuối năm ngoái Bloomberg tiết lộ, Việt Nam đã tăng cường xây dựng được khá nhiều công trình trên Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa.
Thực ra chẳng riêng gì Đá Tây, theo thống kê của tổ chức Sáng kiên Minh bạch hàng hải châu Á, từ 2014 đến nay, Việt Nam đã bồi đắp được 0,49 km vuông trên 10 đảo nhỏ ở Biển Đông.
Do nguyên nhân nguồn lực tài chính và kỹ thuật (còn thiếu thốn, khó khăn), nên hầu hết các công trình xây dựng Việt Nam tiến hành trên các đảo, bãi đá đều dùng sức người khuân vác.
Nói như truyền thông quốc tế, quy mô các công trình xây dựng của Việt Nam "rất nhỏ", cho nên họ hầu hết đều có thái độ phê phán Trung Quốc và đồng tình với Việt Nam trong việc xây dựng đảo.
Tuy nhiên chúng ta không thể xem thường Việt Nam, cách thức xây dựng theo kiểu "kiến tha lâu có ngày đầy tổ" diễn ra suốt mấy chục năm, nên khả năng kiểm soát của Việt Nam với các đảo, đá ngày càng mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng áp dụng một loạt thủ đoạn chiếm lĩnh và củng cố. Trên 29 điểm đảo, đá ở Trường Sa, Việt Nam có 2 đội quân.
Một đội quân chính quy, phân bố từ vài chục người đến cả trăm người trên các đảo, đá tùy quy mô lớn nhỏ của các cấu trúc địa lý.
Đội quân thứ hai mang phiên hiệu đặc thù, 386199, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người gia hình thành một tổ chức dân sự.
Đây là chiến thuật quân đội chiếm lĩnh đến đâu cho dân theo sinh sống đến đó.
Hơn nữa nhiều tỉnh thành của Việt Nam đều "kết nghĩa" với 1 hoặc một vài đảo, đá để cung cấp trợ giúp cho quân dân trên đảo, từ chi phí sinh hoạt, điện thoại cho đến thăm hỏi…để duy trì tính ổn định của dân số trên đảo.
Xem ra Việt Nam đường như đã chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên Biển Đông.
Thứ hai là (Việt Nam) tăng cường khống chế các vùng biển tranh chấp. 
Tháng Sáu năm ngoái, các hoạt động của Việt Nam tại bãi Tư Chính đã gây phiền phức cho quan hệ Việt — Trung, đây là một hành động có ảnh hưởng tương đối lớn của Việt Nam trên Biển Đông.
Những năm gần đây, Việt Nam liên tục lấy lý do quản lý hoặc khai thác vùng đặc quyền kinh tế và ngư trường truyền thống để đưa các tàu cá, tàu khảo sát, tàu du lịch và thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên ra phía trước, với các tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư hộ tống phía sau, tiến ra khu vực Hoàng Sa, Trường Sa.
Việt Nam tuyên truyền nhất quán rằng, mỗi một tàu cá đều là một bia chủ quyền di động.
Trước đây, tàu cá của Việt Nam tương đối nhỏ, động cơ yếu, trang bị kém nên không có năng lực đánh bắt tầm xa.
Chính phủ Việt Nam đã ra các chính sách cổ vũ, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho ngư dân, nâng cao đáng kể năng lực đánh bắt xa bờ cho ngư dân.
Tàu cá Trung Quốc rời cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang thẳng tiến Hoa Đông
Tàu cá Trung Quốc rời cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang thẳng tiến Hoa Đông
Hơn nữa, Việt Nam còn có ý nâng cao năng lực phi xung đột vũ trang, với các tàu được chế tạo mới họ đặc biệt quan tâm đến khả năng (đối phó với việc bị tàu Trung Quốc có mũi thép nhọn) đâm húc, năng lực đối kháng, ngoài ra còn trang bị pháo cho các tàu Cảnh sát biển.
Thứ ba là tăng cường ý thức chủ quyền quốc gia cho dân chúng.
Việt Nam thông qua một loạt động thái từ lập pháp đến thực thi chủ quyền nhằm tăng cường cái gọi là chủ quyền của họ với các đảo, đá họ chiếm đóng.
Những việc này được họ triển khai một cách vững chắc từng bước, kiên trì lâu dài.
Năm 2007 Việt Nam thông qua Chiến lược biển đến năm 2020, nâng chiến lược biển lên tầm quyết sách, ý chí quốc gia của Đảng, Nhà nước, tạo nền tảng cho các chính sách về hoạt động trên biển và giải quyết các vấn đề trên biển.
Năm 2009 Việt Nam thông qua Luật Dân quân tự vệ, luật quy định dân quân biển có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Năm 2012 Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam.
Năm 2015 Việt Nam thông qua Luật Trưng cầu dân ý để đặt nền móng cho sau này có thể mượn cớ ý dân, gây áp lực với Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm 2016 Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với các đảo, đá và quyền lợi biển.
Đồng thời Việt Nam còn thông qua giáo dục, triển lãm, tuyên truyền…để tăng cường ý thức chủ quyền cho dân chúng;
Thông qua hoạt động du lịch, quyên tặng, tổ chức đoàn thăm hỏi, phỏng vấn nghiên cứu ra các đảo, Việt Nam đã nâng cao sự tham dự của các giới trong xã hội vào vấn đề Biển Đông, duy trì mức độ quan tâm của dân chúng đến Biển Đông.
Trên báo VietNamNet Bridge, có chuyên gia Việt Nam còn kiến nghị phải đưa vụ thảm sát Gạc Ma vào trong sách giáo khoa lịch sử để các thế hệ mai sau luôn ghi nhớ, đừng quên.
Thứ tư là tạo dựng thanh thế quốc tế.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam tận dụng mọi cơ hội và địa điểm thích hợp để kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải.
Giới học thuật, ngoại giao Việt Nam cũng làm cho nổi đình nổi đám. Bắt đầu từ 2010, Việt Nam dẫn đầu trong việc tổ chức các hội thảo quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông.
Máy bay vận tải quân sự Y-9 của Trung Quốc diễn tập thả hàng ở Biển Đông đầu tháng 12
Máy bay vận tải quân sự Y-9 của Trung Quốc diễn tập thả hàng ở Biển Đông đầu tháng 12
Thậm chí tại các hội nghị không liên quan gì đến Biển Đông, Việt Nam cũng tổ chức các triển lãm về cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của mình trên Biển Đông.
Trên lĩnh vực khai thác dầu khí, Việt Nam đã đặc biệt mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào cùng khai thác.
Nói thật, trên phương diện chiếm quyền thượng phong ngôn luận, quyền phát ngôn trong dư luận quốc tế, Việt Nam đã làm tốt hơn chúng ta.
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản từng đăng bài "Nhật Bản nên lấy mô hình ngoại giao của Việt Nam làm kiểu mẫu" của trưởng văn phòng đại diện báo này tại Trung Quốc.
Bài viết cho rằng, Việt Nam hoàn toàn không thua Trung Quốc ở tầm cao ngoại giao và trí tuệ, Nhật Bản nên lấy Việt Nam làm hình mẫu, điều này cho thấy rất rõ vấn đề.
Thứ năm, (Việt Nam) biết tận dụng tối đa các cơ chế quốc tế.
Có học giả Việt Nam xem luật pháp quốc tế và ASEAN là 2 cơ chế để kiềm chế Trung Quốc.
Quốc tế hóa là một thủ đoạn quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Biển Đông và họ đã làm rất thành công.
Việt Nam có ý tạo dư luận quốc tế để tăng thêm tính phức tạp của vấn đề Biển Đông, dùng dư luận quốc tế để kiềm chế Trung Quốc.
Giống như những người tí hon trong tác phẩm "Những cuộc phiêu lưu của Gulliver" muốn trói chặt Gulliver, Việt Nam định dùng pháp lý và tổ chức khu vực để buộc chân Trung Quốc.
Được biết Việt Nam đã nghiên cứu các biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ít nhất được 10 năm.
Hiện tại Việt Nam chưa kiện (Trung Quốc) ra cơ quan tài phán quốc tế, đại khái là họ lên kế hoạch trước, rồi sẽ hành động sau.
Ngoài ra Việt Nam đặt kỳ vọng vào ASEAN và Việt Nam là một thành viên có ảnh hưởng trong khối, luôn luôn có nhiều tiểu xảo trong ASEAN hòng thúc đẩy khối này ngày càng cứng rắn với Trung Quốc.
Thứ sáu là tạo ra "mặt trận thống nhất quốc tế".
3 tháng đầu năm nay Việt Nam đã có khá nhiều trò trong lĩnh vực này. Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam;
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng
© AP PHOTO/ TRAN VAN MINH
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng
Ấn Độ vừa kết thúc cuộc tập trận chung 16 nước, Việt Nam là một quan sát viên tích cực, một trong những hạng mục quan trọng của cuộc tập trận này là phong tỏa trên biển.
Trong tháng Hai, Hải quân Việt Nam đưa vào biên chế 2 tàu hộ vệ Gepard do Nga chế tạo;
Tháng Giêng, Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Lực lượng Tự vệ mặt đất Nhật Bản thăm Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương mật thiết.
Ngoài ra còn Australia, từ 2016 trở lại đây các chiến hạm Australia đã cập cảng Cam Ranh.
Tâm tư của Việt Nam đã lộ rất rõ:
Họ muốn thông qua việc xây dựng quan hệ với 5 nước lớn để cân bằng với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đó là các quan hệ Việt — Mỹ, Việt — Nhật, Việt — Nga, Việt — Ấn và Việt — Úc.
Thứ bảy là Việt Nam tiếp tục dùng sức mạnh mưu cầu (bảo vệ) các vùng biển.
Những năm qua, ngân sách quốc phòng của Việt Nam tăng mạnh, từ 1,3 tỉ USD năm 2006 tăng lên 4,6 tỉ USD năm 2015, tăng trưởng 258%.
Trong các quân binh chủng, Hải quân Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Từ 2011 đến 2015, tàu chiến nhập khẩu của hải quân Việt Nam chiếm 44% giá trị nhập khẩu quốc phòng của Việt Nam.
Ước tính trong vài năm tới Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng này.
Các sĩ quan Mỹ trên tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng, Việt Nam
© AP PHOTO/ HAU DINH
Các sĩ quan Mỹ trên tàu sân bay Hải quân Hoa Kỳ Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng, Việt Nam
7 điểm trên đây là tổng kết chị Đao rút ra được sau khi thỉnh giáo nhiều vị chuyên gia (Trung Quốc) về Việt Nam. Bài này mới đề cập được đến đây, hoan nghênh các bạn hiểu biết sâu rộng bổ sung thêm."
Vài lời bình luận
Thứ nhất, Việt Nam củng cố các công trình cơ sở hạ tầng trên quần đảo Trường Sa là nhằm mục đích nâng cao năng lực phòng thủ và phục vụ đời sống dân sinh, hoàn toàn hợp pháp và chính đáng trên lãnh thổ của mình.
Hơn nữa, những công trình cơ sở hạ tầng này hoàn toàn không đe dọa đến tự do hàng hải cũng như an ninh của các quốc gia khác.
Đây là nhận thức chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực, thể hiện qua các tuyên bố chính thức, chứ không riêng Việt Nam.
Hoạt động này khác về bản chất so với việc Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa các cấu trúc địa lý trên 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà họ cưỡng đoạt và chiếm đóng trái phép.
Quy mô và tính chất các pháo đài quân sự Trung Quốc dựng lên ở Biển Đông gây lo ngại cho phần còn lại của thế giới có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thứ hai, bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam, không liên quan đến quần đảo Trường Sa và không có tranh chấp. 
Mọi hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước mình hoàn toàn phù hợp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Chúng tôi phản đối và bác bỏ các lập luận của tác giả Bổ Nhất Đao cùng các nhà nghiên cứu Trung Quốc về cái gọi là "vùng biển tranh chấp" trong phần lập luận thứ 3 này.
Các hoạt động của Việt Nam diễn ra hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam, xác lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và không có tranh chấp.
Mọi lập luận biến các vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp chỉ là âm mưu, thủ đoạn hiện thực hóa đường lưỡi bò đã bị Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 bác bỏ một cách thuyết phục.
Thứ ba, việc tuyên truyền ý thức bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông là rất cần thiết, thường xuyên, lâu dài.
Quả thực cá nhân người viết không dám nhận phần đánh giá cao của các học giả Trung Quốc.
Tuy rằng chúng ta đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Huống hồ Trung Quốc dựa vào nguồn lực tài chính dồi dào, họ không tiếc tiền thành lập các viện nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, vận động hành lang, lợi dụng mọi cơ hội và tổ chức quốc tế để tuyên truyền cho đường lưỡi bò và cái gọi là "chủ quyền lịch sử" trên Biển Đông đã bị Tòa trọng tài bác bỏ.
Thứ tư, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Việt Nam không dựa vào các tài liệu lịch sử thuần túy, bởi đối phương vốn đủ chiêu trò, thừa mưu mẹo để làm giả các tư liệu này, quan trọng hơn là họ tìm cách vô hiệu hóa các hệ quy chiếu pháp lý quốc tế để bảo vệ cho lập luận "chủ quyền lịch sử" của mình ở Biển Đông.
Các lập luận thứ năm, thứ sáu, thứ bảy mà tác giả Bổ Nhất Đao sau khi tham vấn các chuyên gia Trung Quốc về Việt Nam đưa ra, chúng tôi cho rằng đó là sự đề cao thái quá có mục đích.
Chúng tôi cho rằng các hoạt động này hoàn toàn hợp pháp, chính đáng và là một trong những giải pháp hòa bình để tạo môi trường, thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp, thực tiễn quốc tế.
Còn nói về việc tăng ngân sách quốc phòng và khả năng phòng thủ, đó là việc cần phải làm. Nếu nhìn vào quy mô và kích thước ngân sách quân sự của Trung Quốc, thì 10 nước Đông Nam Á cộng lại cũng chưa bằng một phần của họ.
Nhưng thế mạnh của Việt Nam nằm ở chính nghĩa, với tinh thần giặc đến nhà đàn bà cũng đánh và nói phải củ cải cũng nghe, phòng thủ trong khả năng có thể và đặt trong tổng thể chiến lược đối ngoại, đối nội chứ không phải chạy đua với Trung Quốc về vũ khí.
7 vấn đề về chính sách của Việt Nam trên Biển Đông qua góc nhìn của các học giả Trung Quốc cho thấy một điều rất rõ: 
Trung Quốc có cả một đội ngũ nghiên cứu, theo dõi về nhất cử nhất động của Việt Nam, có điều họ nói ra hay không, nói ra khi nào và nói đến đâu mà thôi.
Chúng tôi thiết nghĩ, những gì các nhà nghiên cứu Trung Quốc "xì ra" cho tác giả Bổ Nhất Đao và Thời báo Hoàn Cầu mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 
Đây là điều mỗi học giả, mỗi người Việt Nam cần nghiêm túc suy nghĩ về nó.
Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn ngày càng có nhiều tiếng nói từ các nhà nghiên cứu Việt Nam trong cũng như ngoài nước, để giúp dư luận hiểu thêm về các vấn đề pháp lý trên Biển Đông;
Các xu hướng chính trị khu vực và quốc tế tác động trực tiếp đến Biển Đông và an ninh quốc gia, tính toán của các siêu cường cũng như các bên liên quan…
Bởi suy cho cùng, đối nội và đối ngoại đều quan trọng.
Giúp cho dư luận người Việt trong và ngoài nước có đầy đủ thông tin và hệ quy chiếu pháp lý cần thiết để đánh giá các sự kiện là một cách đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp hiệu quả, bởi cái hiểu đúng và đầy đủ ấy sẽ được lan truyền rộng khắp.
Theo: Thời Báo Hoàn Cầu, GDVN