Đoàn Nhã An
Pháp luật Việt Nam hiện hành có sẵn câu trả lời.
Ngày 16/10/2015, Tòa án Nhân Dân tỉnh Quảng Trị tuyên án chung thân đối với “cậu” Thủy (tên thật là Nguyễn Văn Thúy) với hai tội danh: lừa đảo và xâm phạm hài cốt.
Theo Tuổi Trẻ, trong phần xét hỏi bị cáo, ông Vũ Ngọc Mậu, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: “Xương cốt người là thứ thiêng liêng. Xương cốt liệt sĩ lại càng là điều thiêng liêng hơn nữa. Tại sao bị cáo có thể cho phép mình làm cái việc vô đạo ấy?”[1]
Lời phát biểu của người đại diện tòa án trong phiên xử “cậu Thủy” cho thấy trong đời sống tinh thần của người Việt, thi hài và xương cốt của người quá cố thường đòi hỏi sự tôn trọng cao nhất từ xã hội. Trên hết, quyền được an nghỉ theo ý nguyện lúc sinh thời của người đã khuất càng phải được tôn trọng và bảo vệ.
“Cậu” Thủy không phải là người duy nhất bị tuyên án về tội “xâm phạm hài cốt và thi thể” trong thời gian gần đây. Ngày 11/9/2015, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án sơ thẩm 19 năm tù đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, người vào năm 2013 đã ném thi thể của một khách hàng xuống sông sau khi cô này tử vong trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ.[2]
Vậy cụ thể, hành vi cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự Việt Nam cho tội này bao gồm những gì?
Điều 246 Bộ Luật Hình Sự: Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt:[3]
- Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Câu hỏi pháp lý được đặt ra là ai sẽ có thẩm quyền xử lý thi thể của người đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam? Vì rõ ràng là những ai không có thẩm quyền theo luật định, nếu tự ý xử lý thi thể, hài cốt đều có thể bị buộc tội theo điều 246 BLHS.
Vụ án 46 năm
Thi thể Hồ Chí Minh, vị cố Chủ tịch nước thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã không được mai táng trong suốt 46 năm qua và đặt ra nhiều dấu hỏi về mặt pháp lý.
Sau khi Hồ Chí Minh qua đời vào đúng ngày Quốc khánh của VNDCCH, 2/9/1969, Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp bàn vào ngày 29/11 cùng năm và quyết định giữ gìn lâu dài thi hài ông.
Kể từ ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức mở cửa cho người dân vào thăm và trực tiếp quan sát thi thể của ông.
Liên tục trong vòng trên dưới 40 năm, cho đến những năm 2010 và 2012, Bộ chính trị tiếp tục ra các quyết định nhằm cho phép ĐCSVN cũng như chính phủ Việt Nam được giữ gìn thi hài ông Hồ Chí Minh vô thời hạn.
Theo tài liệu đăng tải bởi Thiếu Tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư Lệnh Bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh, vào ngày 22/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 2341 về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Tiếp đó, ngày 08/3/2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 122/NQ-QU về “lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.”[4]
Những diễn biến trên cho thấy, quyết định tiếp tục duy trì thi thể ông Hồ Chí Minh như hiện tại có dấu hiệu vi phạm Điều 246, Bộ luật Hình sự, thuộc nhóm các “hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
Trái di chúc của người đã chết
Khi sinh thời, Hồ Chí Minh đã lập di chúc, trong đó đặc biệt nêu rõ ý nguyện của ông cho việc hậu sự của bản thân. Ông có di nguyện được hỏa táng cũng như đã căn dặn chi tiết việc xử lý tro cốt.
Cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Việt Nam đều công nhận tính chính danh cũng như giá trị pháp lý của bản di chúc này.[5] Do đó, di nguyện của ông Hồ Chí Minh đúng ra phải được thực hiện trước nhất và trên hết.
Luật pháp Việt Nam hiện nay công nhận quyền hiến tặng các bộ phận cơ thể cũng như quyền được hiến xác của một người sau khi chết. (Điều 34 – Bộ Luật Dân sự).[6] Từ đó cho thấy việc được toàn quyền chọn phương pháp xử lý thân thể của một cá nhân sau khi qua đời là một quyền lợi hợp pháp, được luật pháp Việt Nam công nhận. Và vì thế, không có cơ sở pháp lý nào để giải thích vì sao di nguyện được hỏa táng của ông Hồ Chí Minh không được thực hiện trong 46 năm qua.
Trong trường hợp ông Hồ Chí Minh không lập di chúc, quyền xử lý thi thể của ông vốn nên thuộc về những người có quyền thừa kế theo luật định. Bộ luật Dân sự nêu rõ các hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai và thứ ba.[7]Trong các hàng thừa kế, cũng không có quy định đặc biệt nào dành cho ĐCSVN. Ngoài ra, các quyết định về việc xử lý thi thể ông Hồ Chí Minh từ phía chính phủ cũng không nêu ra bất kỳ văn bản ủy quyền từ người thân hay họ hàng của ông Hồ Chí Minh cho Bộ chính trị. Do đó, việc liên tục trong 46 năm tự ý xử lý thi thể ông Hồ Chí Minh mà không dựa theo bất kỳ cơ sở pháp luật nào là một hành vi “xâm phạm thi thể” theo Điều 246 BLHS.
“Ý Đảng – Lòng Dân” có cao hơn pháp luật?
Bắt đầu từ quyết định đầu tiên năm 1969 cho đến Nghị quyết số 122/NQ-QU năm 2012, ĐCSVN và chính phủ Việt Nam thường dựa vào “Ý Đảng – Lòng Dân” để làm cơ sở lập luận, cho phép họ được quyền xử lý và bảo quản thi thể Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, “Ý Đảng – Lòng Dân” trong trường hợp này không phải là cơ sở pháp lý được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
“Ý Đảng – Lòng Dân” là một lập luận không những không mang tính pháp lý mà ngay cả ý nguyện của chính Hồ Chí Minh cũng không được bảo vệ và tôn trọng. Trong khi bất kỳ một công dân Việt Nam nào khác đều có quyền xử lý thi thể của mình sau khi chết theo ý nguyện cá nhân thì việc đi ngược lại di chúc của Hồ Chí Minh thể hiện sự xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của ông, ngay cả khi ông đã chết.
Quyết định của Bộ chính trị ĐCSVN cho phép họ tự ý xử lý và tiếp tục bảo trì thi thể Hồ Chí Minh theo phương cách của họ trong gần 46 năm qua, về bản chất, không khác biệt nhiều với hành vi của “cậu” Thủy hay bác sĩ Mạnh Tường đã làm đối với những thi thể và hài cốt của các nạn nhân trong các vụ án của họ.
Một trong những nguyên tắc pháp lý được thừa nhận rộng rãi trên thế giới là nguyên tắc stare decisis, một thuật ngữ Latin chỉ việc phán quyết giống nhau đối với những vụ án giống nhau.
Nếu như chủ tọa phiên xử vụ án “cậu” Thủy, ông Vũ Ngọc Mậu đã cho rằng, “xương cốt người là thứ thiêng liêng” và “xương cốt liệt sĩ lại càng thiêng liêng” để đánh giá hành vi của “cậu” Thủy và các đồng phạm là “vô đạo” và tuyên án chung thân, vậy thì hành vi của các cá nhân có liên quan trong ĐCSVN trong việc xâm phạm xương cốt và thi thể của Hồ Chí Minh cũng cần phải được phán quyết tương tự.
Bằng không, lập luận “Ý Đảng – Lòng Dân” sẽ là một trong những rào cản lớn nhất cho việc xây dựng xã hội pháp trị (rule of law) ở Việt Nam.
BY ĐOÀN NHÃ AN / ÁN LỆ, VẤN ĐỀ PHÁP LÝ
Tài liệu tham khảo:
[3] Bộ luật Hình sự (Bộ Tư pháp)
[4] Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi hội tụ tình cảm, niềm tin, ý chí quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn (Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
[5] Giới thiệu những tư liệu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Các bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bộ Tư pháp)
[6] Bộ luật Dân sự (Bộ Tư pháp)
[7] Bộ luật Dân sự (Bộ Tư pháp)
http://luatkhoa.org/2015/10/ai-co-quyen-xu-ly-thi-the-ho-chi-minh/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét