Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Trịnh Xuân Thanh dê tế thần - phần 12.

Trịnh Xuân Thanh dê tế thần - phần 12.


Thứ Ba, ngày 13 tháng 9 năm 2016 /11:36

Trước nay tôi chưa hề để những lời ai khen tôi trên trang mạng của mình. Tôi chỉ để những bài người ta chửi tôi về trang của mình. Mặc dù tôi biết, người thân trong gia đình nội ngoại, bạn bè tôi họ sẽ đọc những bài đó.

Nhưng hôm nay tôi phải làm khác đi, không phải vì bào chữa hay vì làm danh giá mình. Mà vì một người khác.

Đó là ông Đồ Giới, thân phụ của Trịnh Xuân Thanh.

Đã có người đến gặp ông Đồ Giới, đưa cho ông bài viết của DLV Viet Nam Thoi Bao ( giả mạo trang Việt Nam Thời Báo của nhà báo Phạm Chí Dũng ).

Ông Đồ Giới rất hoang mang, tại sao một bài viết như thế lại có trên trang Facebook của tôi.

Điều đó đã khiến cho nhiều thứ bị ảnh hưởng và có lẽ sẽ ngưng trệ.

Vì biết ông Đồ Giới sẽ còn theo dõi trang mạng của tôi. thật bất đắc dĩ, hôm nay tôi sẽ đưa những bài viết của những người có tên tuổi, những con người thật, họ viết về tôi. Những con người thật mà bạn có thể gặp, có thể hỏi chuyện. Chứ không phải bọn hèn nhát nào núp dưới những cái tên nặc danh, chả ai biết chúng. Cái bọn giống hệt những kẻ viết bài ở mục chống diễn biến hoà bình trên báo đảng toàn ký bút danh.

 Trước khi vào những bài viết của các nhà văn, nhà báo viết về tôi. Xin nói rằng tôi đến nước Đức bằng một học bổng đặc biệt, do thị trưởng thành phố Weimar gửi. Weimar từng là thủ đô văn hoá Châu Âu, là nơi có nền cộng hoà đầu tiên ở nước Đức, cũng là nơi mà đại thi hào Goethe và Schille từng sống và để lại những di tích của họ. Weimar là thành phố nổi tiếng vì có di sản văn hoá thế giới. Trong lá thư mà ông thị trưởng Weimar gửi đến ngôi nhà của tôi ở 22 ngõ Phất Lộc, Hàng Buồm, Hoàn Kiế, TP Hà Nội câu mở đầu như sau.

- Chúng tôi đánh giá cao khả năng văn chương và báo chí của ông. Vì thế chúng tôi mòi ông....

 Đầu tiên là bài viết của nữ văn sĩ Phạm Thị Hoài. Người có tên trong từ điển Wikipedia.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Phạm_Thị_Hoài

Cách đây 4 năm, khi tôi còn ở Việt Nam, chị Hoài đã viết về tôi trong một bài viết có tên là Đọ Sức.

Cụ Đồ Giới và các bạn có thể đọc và hình dung bài viết này với những gì diễn ra những ngày qua.


Phạm Thị Hoài
Viết cho Người Buôn Gió
Đó là một cuộc đọ sức giữa hai đối thủ hoàn toàn không cân xứng: bên này là một nhà nước đầy quyền lực, sức mạnh và sẵn sàng nghiền nát bất kể ai và bất kể điều gì nó không ưng ý; bên kia là một con người bình thường, một cá nhân vô danh nhỏ bé.
Cuộc đọ sức không diễn ra ở lĩnh vực thường được gọi là chính trị. Bạn, cá nhân nhỏ bé kia chưa bao giờ là một nhà chính trị, lại càng không là một kẻ âm mưu, một kẻ chống phá nhà nước. Suốt cuộc đọ sức, bạn ở vị trí phòng thủ, không muốn gì hơn là được giữ những gì mà bạn coi là tính cách của mình, cuộc đời của mình và danh dự cá nhân của mình, dù hay hay dở.
Những thứ ấy đều bị nhà nước thường xuyên xâm phạm, bằng những phương tiện thừa thô thiển và lố bịch, nhưng không bao giờ thiếu dã man. Trấn áp và đe dọa, để buộc bạn phải từ bỏ bạn bè cùng chí hướng, phải gột rửa quan điểm riêng để tiếp thu những quan điểm theo chỉ đạo, phải xưng hô không như bạn thuận miệng, phải sinh hoạt trái với sở thích, phải dành thời gian cho những hoạt động mà bạn ghê tởm, phải tham gia những phong trào mà bạn dị ứng, phải học tập những tấm gương mà bạn chán ghét, phải tuân thủ những quy định mà bạn thấy phi lí, phải tán thành những điều mà bạn cho là ngu xuẩn… Và nhất là phải đầy biết ơn và hân hoan khi được nhà nước cho phép làm tất cả những điều phải làm đó.
Nhưng bạn không chịu. Bạn chẳng tha thiết với vai nạn nhân và không sắm sửa gì cho nó. Không bẩm sinh là một người hùng, lại càng không bẩm sinh là một kẻ tuẫn nạn, bạn thuần túy là một con người bình thường, với nhiều nhược điểm, đã thế lại còn là sản phẩm của một thời bạc nhược. Nhưng đơn giản là bạn không chịu. Và thế là bạn chấp nhận đọ sức. Chẳng sung sướng gì, đúng ra là phải tặc lưỡi mà chấp nhận, nhưng với một quyết tâm thầm lặng là không đầu hàng. Bạn yếu hơn đối thủ rất nhiều, đương nhiên, nhưng bạn lại linh hoạt hơn. Trong khi cái nhà nước đồ sộ cồng kềnh kia cần kha khá thao tác để có thể vặn cổ bạn thì bạn đã thụp xuống rồi lại vọt lên nhiều lần. Bạn biết né đòn và đánh lạc hướng. Bạn biết giữ thăng bằng và thoát hiểm trong gang tấc. Và ở bước đường cùng bạn cũng biết đem những phần thân thể đã trơ đòn ra chịu trận để che chở cái lõi nhạy cảm nhất, trong tận cùng tâm hồn bạn, cái làm nên con người cá nhân của bạn và bạn quyết giữ không cho nhà nước xâm phạm.
Cuộc đọ sức của bạn với cái nhà nước đó không phải là trường hợp cá biệt. Từ hơn nửa thế kỉ nay tại Việt Nam, hàng ngàn hay hàng trăm ngàn những cuộc đọ sức như thế đã diễn ra ở nhiều phạm vi và cấp độ; mỗi cuộc là một cá nhân đơn lẻ chỉ tìm cách bảo vệ danh dự riêng và con người cá nhân của mình, chống lại sự xâm phạm của một nhà nước hằn thù và siêu quyền lực; mỗi cuộc đều tuyệt đối cô lập và đóng kín trước công luận. Một số người, có thể nhiều khí chất anh hùng hơn hay quyết tuẫn nạn hơn, đã đi xa hơn bạn: họ đã vào đến trại cải tạo và nhà tù, đã đứng trong danh sách dự bị cho những tượng đài tương lai. Những người khác thì bỏ cuộc sớm hơn. Từ lâu họ đã trở thành những đảng viên cáu kỉnh hay các cán bộ tuyên truyền trệu trạo nhai sống khẩu hiệu và phàn nàn về rối loạn tiêu hóa.
*
Phần lớn đoạn văn trên đây không phải của tôi. Tôi chỉ diễn đạt lại và đặt vào khung cảnh Việt Nam lời mở đầu cuốn tự truyện của một người Đức thời Quốc xã[1]. Khi Hitler lên cầm quyền, tác giả là một sinh viên luật mới ra trường và đang thực tập tại Kammergericht, Tòa Thượng thẩm Berlin, biểu tượng kiêu hãnh của nền luật pháp Đức trước khi cuộc cách mạng màu nâu đồng hóa mọi lãnh vực xã hội vào ý hệ và tổ chức Nazi. Những tháng chứng kiến sự tàn phá thiết chế luật pháp tối cao, đầy uy tín và truyền thống này là trải nghiệm then chốt, khiến chàng thanh niên 25 tuổi Sebastian Haffner, con nhà lành, ít quan tâm đến chính trị hơn văn chương nghệ thuật, quyết định đọ sức với cái nhà nước tử thần đó. Tòa thượng thẩm ấy nổi tiếng vì 150 năm trước đó, hội đồng thẩm phán của nó đã thà vào nhà đá chứ quyết không vì lệnh vua mà sửa một bản án mà họ tin là đúng đắn. Huyền thoại kể rằng, khi xây dựng cung điện mùa hè nổi tiếng Sans Soucis ở Potsdam, vị vua Phổ cũng đầy huyền thoại là Friedrich Đại Đế muốn phá chiếc cối xay gió ở gần lâu đài để giải phóng mặt bằng. Vua ngỏ ý muốn mua lại. Chủ cối xay gió không muốn bán. Vua dọa, ngươi không bán thì ta tịch thu. Chủ cối xay gió đáp: Vâng, nhưng xin bệ hạ đừng quên rằng còn có Tòa Thượng thẩm Berlin. Đến hôm nay chiếc cối xay gió ấy vẫn còn nguyên, ngay cạnh lâu đài vua Phổ. Vài tháng sau khi thay máu Quốc xã, cũng Tòa Thượng thẩm ấy chỉ còn là sân khấu cho những phiên tòa phô diễn của Tòa án Nhân dân (Volksgerichtshof).
Sebastian Haffner lưu vong năm 1938, khi nước Đức Quốc xã ở đỉnh cao quyền lực. Ông đã không thắng trong cuộc đọ sức. Bảy năm sau, đối thủ của ông đầu hàng.
 Bản quyền thuộc 2012 pro&contra

http://www.procontra.asia/?p=609
=============================================================

 Một bài viết của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên phó tổng thư ký báo Thanh Niên.


TẠI SAO NHÓM PHẢN CÔNG CHỌN NGƯỜI BUÔN GIÓ?

Người Buôn Gió đang chịu một áp lực nặng nề hơn bao giờ hết kể từ khi anh đón nhận và tung lên mạng tài liệu phản công của nhóm Trịnh Xuân Thanh tố cáo lại Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ trong vòng vài ngày mà phe kia đã tung ra một lực lượng hùng hậu từ dư luận viên cấp thấp đến cấp cao, đến cả lực lượng hai mang nằm vùng cũng được huy động cho ra công khai trong trận sống mái nầy.
Từ những cái còm, cái like, đến những stt bóng gió, hay đến cả những bài báo nói trực diện đang nhắm vào Người Buôn Gió và cả TXT bắn xối xả.
Không kể gì đến đường đường thể diện cơ quan quyền lực cao nhất nước, báo mạng quốc hội cũng được huy động vào cuộc để đăng bài báo tởm lợm của một dư luận viên cấp thấp nặc danh nào đó nhằm bôi nhọ nhân thân Người Buôn Gió.
Và chuyện có một không hai trong lịch sử đảng CSVN, lần đầu tiên đích thân TBT triệu tập cuộc họp ban bí thư để xử lý kỷ luật một đảng viên cấp thấp.
Qua các phản ứng lạ kỳ đó thấy rằng sự việc TXT được phe nhóm đưa đi tẩu thoát và tung tài liệu ra phản công là hết sức nghiêm trọng, dư luận cho rằng còn nghiêm trọng gấp nhiều lần vụ nổ súng ở Yên Bái bắn chết bí thư tỉnh và trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ vừa rồi.
Tại sao nhóm phản công chọn Người Buôn Gió?
Đơn giản vì Gió là một người viết báo tự do không bị ràng buộc, một blogger khá nổi tiếng có lượng độc giả cao và quan trọng là Gió tuy còn quốc tịch VN nhưng đang ở nước ngoài khá an toàn khó bị cường quyền uy hiếp, bắt bớ. Nhóm phản công còn tin tưởng Gió ở chỗ là người làm việc đơn độc, dám chơi dám chịu, dám đi với đối tác đến cùng, không phản phé giữa đường. Nếu tài liệu đó được giao cho cơ quan truyền thông nào đó dù uy tín đến mấy cũng rất nguy hiểm cho nhóm phản công, vì đã là cơ quan phải có nhiều người, rất dễ có người của phe kia cài sẵn vào.
Tại sao Gió chấp nhận cuộc chơi?
Bất cứ người viết báo yêu nghề nào cũng bập vào ngay khi bắt được tài liệu quan trọng nầy. Ngay cả làng báo lề đảng trong nước cũng bập vào dù biết có viết ra bài cũng chẳng bao giờ được đăng, nhưng cứ bập vào đã rồi tình sau.
Cho nên đừng có gán cho Người Buôn Gió vì nầy vì khác, có âm mưu nầy nọ, đứng phe nầy phe kia. Gió chỉ làm vì chức năng của người cầm bút, vì sự thôi thúc quyền được thông tin đa chiều của người dân mà nhà cầm quyền luôn bưng bít.
Từ mấy tháng nay, người dân trong nước và dư luận nói chung mới chỉ nghe thông tin vụ Trịnh Xuân Thanh từ một nguồn duy nhất phát ra từ nhóm cầm chịch tấn công Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh là đối tượng đang bị tấn công không được quyền nói lại và vĩnh viễn sẽ không bao giờ được nói lại nếu bị bắt.
Do vậy nhóm Trịnh Xuân Thanh tổ chức cho Thanh trốn đi đến nơi an toàn để có được quyền nói lại.
Thanh có toàn quyền nói lại dù Thanh có là tội phạm bị kết án, huống chi đến bây giờ Thanh vẫn chưa là gì cả.
Câu chuyện nói lại của Thanh chưa biết đúng sai thế nào, nhưng người dân phải được quyền nghe. Người Buôn Gió đang cần mẫn ngày đêm làm việc đó.
Tuy nhiên cách phản ứng điên cuồng của phe kia làm cho dư luận tin rằng nội dung nói lại của Trịnh Xuân Thanh chứa đựng những sự thật quan trọng gây ra những tác hại chưa thể nào lường hết đến uy tín đảng cầm quyền.
Chúng ta chờ xem.
PS: Nhắn riếng với Gió. Bạn cứ thong thả khai thác tư liệu và khai thác cả nhân chứng sống, sự việc thế nào cứ đưa lên y như thế để phục vụ bạn đọc, phục vụ quyền được thông tin của người dân. Hiện nay bọn xấu đang xúm vào khiêu khích bạn để bạn phân tâm lo chống trả mà xao nhãng việc chính, bạn lơ hết để đừng mắc mưu chúng nó.

===========================================================================


Bài viết của nhà văn Phạm Thành, tức Bà Đầm Xoè. ( tác phẩm Cò Hồn Xã Nghĩa..)



Đôi dòng về Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn An Dân và Blogger Kami của đài RFA.
Bùi Thanh Hiếu không có thẻ nhà báo, cũng không học hành báo chí, chỉ là người đi buôn không khí (gió), ấy mà một quan chức cộng sản Trịnh Xuân Thanh có tiền, có chức vụ to đùng khi lâm nạn nhất nhất chỉ nhờ đến Bùi Thanh Hiếu. Có được tư liệu bằng văn bản, có được tư liệu sống là Trịnh Xuân Thanh, Bùi Thanh Hiếu liền vung bút đi liên tục tới 11 kỳ báo trên fb trong vòng nửa tháng, làm dậy sóng dư luận năm châu với sự hồ hởi đón nhận từng kỳ của bạn đọc, làm đau đầu giới quan chức chóp bu cộng sản đang cầm quyền Việt Nam. Đặc biệt là lật bộ mặt thật của Trọng lú, người được xem có lối sống liêm khiết mẫu mực hiện nay trong giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, với quà biếu đút lót vàng tiền, nhà cửa, ăn cũng không từ một thứ gì đang có ở Việt Nam .

Nửa tháng với 11 bài viết ở dạng phóng sự điều tra, Bùi Thanh Hiếu đã lập một kỷ lục viết báo bằng tiếng Việt xưa nay chưa từng có. Nhưng cây bút gạo cạo của nền báo chí cách mạng Việt Nam nổi tiếng như Thép Mới, Hồng Hà, Đào Tùng, Hữu Thọ, Phan Quang… cũng chỉ đủ khả năng giật mình khi ở nước Nam ta lại có một người viết báo tài đến như vậy. Tôi (Phạm Thành) là một nhà báo nằm trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2012 lục tìm lại trong trí nhớ và chắc chắn 100% không có một sự nhầm nhò nào khi đưa ra sự so sánh và đánh giá này. 

Bùi Thanh Hiếu thực sự là một tài năng ở cả Văn chương và Báo chí. Nhà văn là ở tiểu thuyết “Đại Vệ chí dị vừa mới xuất bản ở nước”. Con Báo chí thì đã có cả trăm bài được bạn đọc thích thú đón nhận từ dăm năm nay trên blog Người Buôn Gió mà chính quyền thường xuyên chặn lên chặn xuống và vút cao tỏ sáng ở 11 kỳ báo “Trịnh Xuân Thanh con dê tế thần” đang lan truyền chóng mặt trên mạng truyền thông xã hội.
Tài năng viết báo, viết văn của Bùi Thanh Hiếu chẳng phải trời cho mà do ý chí của Hiếu quyết sống vì nó và do số phận đã dấn thân vì nó mà thành.

Các bạn hãy xem lý lịch của Bùi Thanh Hiếu do chính anh tự bạch: nghiện hút chích choác, chủ bàn đèn, giang hồ trộm cắp, vào tù ra khám, buôn lậu hàng quốc cấm, vân vân…. Người khác chỉ cần bập vào một tệ nạn như Hiếu đã phải tàn đời. Còn Hiếu, tệ nạn đã không quật đổ được Hiếu, mà trở thành vốn sống để Hiếu nhận ra chân thiện mỹ của kiếp người, nhận ra một xã hội do những người cộng sản cầm quyền là một xã hội thối nát và những người cầm quyền trong chế độ cộng sản là chủ nhân ông của sự thối tha, bỉ ổi đó mà các nhóm tệ nạn xã hội chỉ là bộ phận cấu thành. Đó là hạt nhân để Bùi Thanh Hiếu hơn vươn lên, trưởng thành, trở thành một người chân chính, dung ngòi bút làm vũ khí đấu tranh bảo vệ lẽ phải, người lương thiện, chống lại kẻ cường quyền, áp bức.
Bùi Thanh Hiếu đích thực là một tấm gương “rủ bùn đứng dậy sáng lòa” mà bất kỳ một con người tư tế nào cũng phải ngưỡng mộ, bất kỳ một kẻ xấu xa nào muốn làm người tử tế cũng cần phải học tập, noi theo.
Tài năng của Hiếu qua 11 kỳ báo “Trịnh Xuân Thanh con dê tế thần” đã chinh phục sự say mê, háo hức cho cả chục triệu độc giả, lập kỷ lục về số bạn đọc mà khó ai có thể vượt qua trong thời điểm hiện tại.
Ảnh hưởng của 11 kỳ báo đi cùng sự nổi tiếng của Bùi Thanh Hiếu đã làm cho không ít những cây viết trên mạng xã hội fb phải ghen tị, thậm chí đến blogger ở Đài phát thanh Á châu tự do (RFA) cũng đứng ngồi không yên và tìm mọi cách xuyên tạc, vu vạ, nhằm hạ bệ uy danh của Bùi Thanh Hiếu. Fb Nguyễn An Dân liên tục vu vạ cho rằng, Hiếu là một tay tội phạm, xã hội đen, học hành lỗ mỗ đã tôn vinh một người tham nhũng đáng bị xử trảm như Trịnh Xuân Thanh thành người anh hùng. Con Blogger Kami của Đài Á châu tự do (RFA) Kami thì cho rằng, Hiếu đang viết truyện chứ không phải viết báo. Mà viết chuyện thì phải bịa, phải tưởng tượng… Mục đích của những người này là họ muốn gieo vào lòng người đọc, những gì Bùi Thanh Hiếu viết ra là không thật, không thể thể tin cậy, còn Trịnh Xuân Thanh là kẻ tham nhũng, sự tố cáo của Thanh về tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ là bịa đặt, không thể tin cậy, vân vân. 

Nguyễn An Dân và Blogger Kami dù núp dưới chiêu trò múa bút kiểu gì cũng chỉ nhằm mục tiêu đó. Mục đích để làm gì, trẻ con cũng nhận ra. Đó là, chế độ này vẫn còn tốt lắm, chỉ kẻ bỏ đảng, chạy trốn mới là kẻ xấu xa, vân vân.

Thời buổi thông tin liên tục cập nhật có thể luồn vào tận buồng ngủ, vào tận nhà vệ sinh của mỗi người, dùng chiêu trò để hướng dẫn dư luận, lừa người đọc, che dấu sự thật đã lỗi thời từ lâu rồi, thưa hai nhà báo An Dân và Kami.

Người xưa nói, biết người tài cũng là một người tài. Đó là đức độ tài năng của người tài chân chính. Không có tài nhưng cũng muốn thiên hạ ghi nhận mình như một người tài bằng cách chống lại, phủ nhận những gì người tài có, cách đó bây giờ đến trẻ con cũng không còn dùng nữa.

Viết vội đôi dòng, kính bạn đọc đọc tạm. Tôi xin dừng bút tại đây, mò vào mạng xem cuộc đấu Trọng – Thanh có gì mới không đã.

=============================================================================

 Bài viết của Bloger Nguyễn Ngọc Già, người đang nằm trong lao tù của chế độ cộng sản vì viết những bài phê phán chế độ.


https://www.danluan.org/tin-tuc/20111211/nguyen-ngoc-gia-bui-thanh-hieu-se-mai-dung-gio-de-buon-long-nhan-ai

 Bùi Thanh Hiếu sẽ mãi dùng Gió để Buôn Lòng Nhân Ái

Hồi tháng 8 năm ngoái, Tom Cat đã làm một việc gọi là "cảnh CÁO" TS. Cù Huy Hà Vũ, hầu như không ai không biết với kết quả đúng như Tom Cat nói: Cù Huy Hà Vũ bị bắt. Tôi hoàn toàn tin, nhiều người và ngay cả thân nhân anh Vũ cũng như bản thân anh Vũ cảm thấy hẫng hụt, bẽ bàng, và hơi choáng một chút về hình thức bắt anh, không phải vì nguyên nhân anh bị bắt. Anh Vũ bị bắt bằng "hai bao cao su đã xài" là điều mà ĐCSVN sẽ không bao giờ xóa được nỗi ô nhục ê chề trong lịch sử vốn chẳng mấy sáng láng, thiếu minh bạch và không sạch sẽ, thơm tho cho lắm của 80 năm "Lịch sử ĐCSVN". Nỗi hối tiếc lớn nhất của người Việt, có lẽ mai này, con cháu Việt Nam dù muốn dù không vẫn buộc phải đối diện với lịch sử nhơ nhuốc do chính người CSVN gây ra cho Dân Tộc và Đất Nước.
* * *
Có lẽ không ai hiểu chồng hơn vợ, chính vì vậy:
Chị Hà nói, anh Vũ bị thế này, chung quy cũng tại tin vào luật quá. Anh ý cứ nghĩ mọi người đều phải chấp hành luật pháp, những thứ anh nói, kể cả đơn kiện vị này, vị kia cũng đều trên luật pháp đó chứ. Nhưng người ta có làm theo luật hay không? Cái đó anh ý chủ quan quá chả nghĩ gì, đấy. (1)
Do vậy, không quá đáng khi ai đó đã từng nói: Không có gì mà người Cộng sản không dám làm, dù cho việc bẩn thỉu nhất. 
Cù Huy Hà Vũ đã chủ quan từ đấy. Đó là sự thật, không ai có thể chối cãi, tuy nhiên, nếu không có sự "chủ quan" trong sáng đấy, thử hỏi phong trảo dân chủ chỉ mới một năm qua có khởi sắc hơn nhiều như hiện nay không? Có gì không phải trả giá? TS. Cù Huy Hà Vũ đã dám trả giá bằng tự do cá nhân như nhiều tù nhân lương tâm khác đã làm trước đây, để buộc ĐCSVN phải trả lại Quyền Con Người cho Dân Tộc Việt Nam.
* * *
Tôi tin, không chỉ riêng anh Bùi Thanh Hiếu mà hầu như mọi người đều không ngạc nhiên khi Tom Cat quyết định tiếp tục xuất hiện trên diễn đàn Dân Luận một lần nữa để nói lời "cảnh báo". Ít nhất, lần này Tom Cat đã thể hiện chút liêm sỉ làm người khi chuyển từ "cảnh cáo" (anh Vũ) sang "cảnh báo" (anh Hiếu). 
Dù cho lời lẽ trong "lời cảnh báo" chuyển đến anh Bùi Thanh Hiếu nghe có vẻ khoan hòa mềm mỏng hơn chút ít, vẫn không thoát khỏi sự đe nẹt, dọa dẫm và ngạo mạn, kiêu căng ngay câu đầu tiên: "Thật sự không vui vẻ gì mỗi khi Tom Cat lên tiếng thì lại có một nhân vật đối kháng phải vào tù". Đó phải chăng để đe dọa tiếp anh Nguyễn Hữu Vinh và anh Nguyễn Xuân Diện? Có thể. Phải chăng, Tom Cat báo trước rằng sẽ thường xuyên xuất hiện hơn nữa để tiếp tục từ "cảnh cáo" (nặng nhất cho anh Vũ) sang "cảnh báo" (nhẹ hơn chút cho anh Hiếu, anh Vinh, anh Diện) rồi đến "thông báo" (tôn trọng hơn tí nữa, (ví dụ) cho tôi - Nguyễn Ngọc Già):), sau đó "báo cáo" (hoàn toàn tôn trọng, cho ai đó)? Đùa thôi! Ý tôi muốn nói: Dường như mức độ khủng bố tinh thần từ phía cầm quyền có vẻ dịu dần hơn chút ít? Cũng rất có thể.
Khi nào nên "cảnh báo"? Tất nhiên (không nói tới tai họa thiên nhiên như: động đất, núi lửa, sóng thần...) khi ai đó được quan tâm, lo lắng theo hướng tích cực, thì người đó sẽ nhận được lời "cảnh báo" để chuẩn bị tinh thần ứng phó những trạng huống xấu có thể xảy ra. Do vậy, tôi vẫn giữ quan điểm của riêng mình về nội dung mới nhất của Tom Cat, đó là "LỜI ĐE DỌA".
Anh Vũ và anh Hiếu khác nhau khá nhiều về tính tình, cách sống, suy nghĩ, hành động và nhiều điều khác... 
Cù Huy Hà Vũ là người sôi nổi, thẳng thắn, có phần nóng nảy, trong khi Bùi Thanh Hiếu lại nhẹ nhàng, có vẻ hơi tưng tửng và có phần thâm trầm. Cù Huy Hà Vũ đã từng "được" Quý Thanh "ca ngợi" muốn nổi danh từ con đường "cái bóng" và con đường "đánh bóng" bằng những đơn kiện Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Hải Triều... thì Bùi Thanh Hiếu lại nhẹ nhàng đi vào lòng người bằng những câu chuyện ẩn dụ mang tên "Đại Vệ Chí Dị" - đau, sâu, cay. Cù Huy Hà Vũ xuất thân trong gia đình danh giá thì Bùi Thanh Hiếu ra đời trong nghèo khó. Cù Huy Hà Vũ lên tiếng cho dân nghèo bằng tấm lòng và kiến thức luật học vững vàng, trong khi Bùi Thanh Hiếu thủ thỉ những chuyện đời nhỏ nhoi mà quặn thắt, bằng vốn chữ ít ỏi cùng năng khiếu viết "trời cho". Cù Huy Hà Vũ tiếng tây như gió thì Người Buôn Gió một chữ tây cũng chả rành (2). Cù Huy Hà Vũ đã từng nói: "Tôi chưa bao giờ nghe thông tin nói rằng tôi sẽ bị bắt; tức nói một cách chính thức là ‘bị bắt’, vì không có lý do gì để bắt tôi cả..." (3), trong khi Bùi Thanh Hiếu luôn biết rằng anh có thể bị bắt vào bất cứ lúc nào, ví như "Không biết ai nhờ ai giúp hộ khoảng thời gian đó trông nom Tí Hớn, lỡ mà bố Tí Hớn đi chữa bệnh bắt buộc..." (4) và đây nữa "Nếu có gì bất chợt, xin gửi anh em bằng hữu, những người yêu mến Lái Gió lời chào tạm biệt" (4), hay trong bài viết mới nhất của anh có tựa đề "Đi tù và đi cải tạo"(5), và trong nhiều bài viết khác của anh, nhà tù và những khốn khó trong trại tù đều bàng bạc trong đấy với sự sẻ chia, an ủi cho chính mình, cho bạn tù, cho người thân, để khi đọc lên ai cũng có thể nghẹn ngào và cay mắt. Tù đối với Hiếu ư? Cải tạo đối với Hiếu ư? Ồ! "Bình thường thôi" (6)!
Bình thường thôi, bình thường thôi, bình thường thôi
Mà nghe sao không bình thường
Vì cuộc đời như những chuyến xe
Chuyện ngựa xe, chuyện ngựa xe cuộc đời ơi
Lặn lội sâu để được gì
Vì sao? vì sao? vì sao?
Có lẽ vì điều đó bình thường thôi
(Bình thường thôi - Vũ Quốc Việt)
==================================================================

 Bài của nhà văn Tưởng Năng Tiến.


Tác giả còn có những tên gọi khác: Ông Lái Gió, hay (thân mật hơn, chút xíu) là Thằng Phải Gió. Ông tên thật là Bùi Thanh Hiếu, hiện đang sinh sống tại Hà Nội.
Tôi chưa có dịp đặt chân đến Hà Nội. Và cũng chưa bao giờ có ý định phiêu lưu đến một nơi xa xôi (và lôi thôi) như thế. Đường thì xa, vé tầu thì mắc, thủ tục nhập cảnh thì lôi thôi rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn (ở đó) thì chết mẹ!
 Giữa tôi và N.B.G - rõ ràng - có một khoảng cách khá xa về không gian, cũng như thời gian, sinh sống. Khi ông chào đời, tôi đã đi vào lính. Sau khi đi lính, tôi đi tù. Ở tù ra, tôi đi vượt biển.
 Vì hay “đi” như vậy nên tôi không có cơ dịp nào để được gặp gỡ hay quen biết với N.B.G. Tôi chỉ phải lòng ông - qua những bài viết (hết sức) duyên dáng, sắc xảo và thắm đặm tình người - thôi. N.B.G là người của một thế hệ mới, với quan niệm và thái độ (hoàn toàn) mới khi phải đối đầu với chuyện bị ngược đãi hay giam cầm, bắt bớ  – đang xẩy ra thường xuyên – ở Việt Nam.

Đọc Nhật ký Trong Tù của N.B.G, bảo đảm, thích thú và thoải mái hơn tác phẩm Ngục Trung Nhật Ký (hình như) của Hồ Chủ Tịch rất nhiều. Rảnh, xin xem qua một đoạn:
“Xong buổi cung chiều, anh cán bộ giao tôi cho cán bộ quản giáo. Cán bộ quản giáo ca này là nữ, cô ta chắc sinh khoảng năm 78, 79 dáng mảnh khảnh, tóc buộc chun cái đuôi gà cứ ve vẩy. Đưa tôi vào buồng cô khoá cửa lại, mặt lạnh tanh. Tôi hỏi.
-         Này mình ơi, nếu không muốn đi cung nữa thì từ chối có được không?
Cô cán bộ nhìn tôi nghiêm khắc.
-         Không muốn thì chỉ có ốm, mà ốm thì phải có bác sĩ xác nhận. Ở đây phải gọi là cán bộ, xưng tôi. Không được mình mình.
Tôi cười xoà.
-         Gọi khác sợ kém xinh đi, tưởng gì chứ gọi bằng cán bộ tù nào chả gọi được.
Cô cán bộ lườm:
- Ăn nói linh tinh, kỷ luật bây giờ...
Tại sao N.B.G bị ... tó? Ông in những chữ “Hoàng Sa, Trường Sa Là Của Việt Nam” lên áo, rồi “đem bán kiếm tiền nuôi con” – theo như nguyên văn lời khai của đương sự khi bị hỏi cung.
Ở một nơi mà nhiều kẻ còn đành đoạn bán luôn cả nước để ... mưu sinh thì chuyện “bán áo nuôi con,” tất nhiên, chỉ là chuyện nhỏ. Có lẽ vì thế nên N.B.G được phóng thích, không lâu, sau đó.
Hiện nay, ông đã thôi không in lên áo dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa Là Của Việt Nam” nhưng vẫn tiếp tục viết trên blog của mình những dòng chữ với nội dung tương tự về thân phận của phần quê hương và đất nước của mình:
Không cần phải là thầy bói, ai cũng có thể đoán rằng N.B.G có rất nhiều hy vọng sẽ bị vào tù ngồi lần nữa – trong tương lai gần – và lần này (e) sẽ phải hơi lâu, chứ không phải bỡn. Chính vì sự e ngại này nên nhà xuất bản Giấy Vụn & và tuần báo Trẻ đã thu thập một số bài viết tiêu biểu của N.B.G, để hình thành tuyển tập I Đại Vệ Chí Dị. Nói là tập I vì trong tương lai hứa hẹn sẽ còn nhiều tập nữa (*).

 Trong phần lời tựa cho cuốn Vũ Trụ Không Cùng –  của Bùi Ngọc Tấn, Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2008 - Vũ Thư Hiên viết rằng:” Không phải người hoạt động chính trị, chúng tôi chỉ có thể trông vào cái mình có là ngòi bút để đứng trong cuộc đấu tranh chống lại thể chế phi nhân... Tôi chỉ xin giới thiệu anh, với tư cách một con người, một cuộc đời, một số phận. Con người ấy chẳng có gì cho chúng ta, ngoài một tấm lòng.”

Tôi cũng có ý nghĩ tương tự, sau khi đọc xong Tuyển Tập Đại Vệ Chí Dị của N.B.G: ”Con người ấy chẳng có gì cho chúng ta, ngoài một tấm lòng.” Tôi còn tin rằng bao giờ mà con dân Việt vẫn còn có những “tấm lòng” đôn hậu và trung trực như thế thì chúng ta vẫn còn có thể yên tâm khi nghĩ đến tương lai đất nước.
http://www.rfavietnam.com/node/827
============================================================

Nhà văn, nhà thơ Vũ Thế Dũng ( tác phẩm Gió Đi Dưới Trời, Hộ Chiếu Buồn...) 

Không biết bao giờ  tập tiếp theo của Đại Vệ Chí Dị sẽ được Gió viết tiếp. Với  lòng „Yêu quê hương Việt  Nam, thích uống trà mạn“,  dù đang sống ở nước Đức xa xôi  Gió vẫn có thể hoàn tất những tiểu thuyết để đời. Mới ở tuổi 45, sức viết của Gió đang chín, chữ nghĩa của anh đang tới bến, tới bờ.

Ngót ba năm trước, có ông em văn nghệ  hỏi tôi. Anh đọc nhiều biết rộng, theo anh liệu có phải tự  Gió viết ra hay là ai đó đã viết rồi để nó ký tên. Tôi vặn lại, sao em lại có nghi vấn kỳ khôi thế.

Ông em bảo, Gió chưa học hết cấp Ba. Có thời sống như lưu manh giang hồ, nào đâm thuê chém mướn, lại từng cờ bạc, từng nghiện ngập, tù tội. Em không thể tin được là nó lại có thể tự mình viết được những trang viết ấy.
Tôi cười dịu dàng, em nhầm to. Một thằng lưu manh hoàn toàn có thể trở thành nhà văn khi nó tự ngộ ra thiên lý. Cái làm nên tư chất nhà văn là sức nhìn sắc bén như dao kéo, như kính chiếu yêu của đôi mắt chứ không phải sự tụ tập của một đống chữ.Thiếu gì người học hết thạc sĩ  này đến tiến sĩ kia  mà vẫn không viết ra văn. Chưa kể, nhiều người có  hàng bồ chữ trong bụng, có vài ba bằng cấp trong tay mà vẫn là kẻ mù nghĩa vì chỉ sống suông lý thuyết. Đã là kẻ mù nghĩa thì dù hàng đống chữ trong đầu càng viết càng lú chứ làm sao khám phá được sự thật. Em đã đọc Papilon Người tù khổ sai rồi đúng không ? tác giả này đi tù quá lâu, có học hành mấy đâu mà tiểu thuyết của ông ấy vẫn nổi tiếng. Còn Gió ? Trời  phú cho hắn năng khiếu văn chương.  Từ  thủa học trò hắn hay phải hàng ngày lẽo đẽo canh chừng để mà hô hoán „ Công an đến đớ..ới mẹ ơi !“. Chả là, một thời cha Gió bị ốm dài, nên mẹ Gió phải rong ruổi bán nước trên hè phố mưu sinh. Thương mẹ nên nhiều khi Gió tự bỏ học để đỡ mẹ những lúc nguy nan nên bị cô giáo dạy văn giận lầm. Có nhiều thâm niên  sống đớn đau, cơ khổ bạt mạng với  vỉa hè Hà Nội cho nên Gió sẽ viết ra văn của hắn.

Trước hết, Gió là kẻ dám sống hết thân phận mình trong những cảnh ngộ lăn lóc giang hồ bi đát nhất. Sau đó, Gió là kẻ dám viết ra hết những gì hắn đã sống qua và đã thấu hiểu. Tất cả những gì Gió  viết ra mà tôi đã đọc được chắc chắn là  giọng điệu, là  gan ruột của chính Gió. Đố ai viết giống được như Gió. Ông em gật gù, vâng anh nói thì em tin.

https://badamxoevietnam2.wordpress.com/2016/07/04/12334/

==============================================


 ... và nhiều bài viết của nhà giáo , nhà văn Phạm Toàn ( Châu Diên ) , thư pháp gia Trịnh Tuấn ( Chu Giang Phong )......Những con người thật, những cái tên thật có tên tuổi thực.

 Xin cụ Đồ Giới yên lòng, ngoài những gì xấu xa viết về cháu của những kẻ nặc danh . Cụ có thể đọc của những người chính danh, những người nếu cần cụ có thể dễ dàng gặp, quá nửa số người đó họ ở Việt Nam và sẵn sàng gặp cụ hầu chuyện.

Hiện giờ con dâu và con trai cụ đã đến một nước văn minh, ở nơi đó không có pháp luật nào tuỳ tiện dẫn độ con trai cụ về,  nhất là khi chưa có phán quyết của toà án, thậm chí nếu có phán quyết thì còn  quá trình xem xét của pháp luật sở tại, có đến 95% đề nghị dẫn độ sẽ bị bác bỏ.

 Mong cụ bình tâm để con cháu vững lòng.

http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2016/09/trinh-xuan-thanh-de-te-than-phan-12.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét