Vụ Trịnh Xuân Thanh và quy định về dẫn độ tội phạm
Sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can, truy nã trong nước và quốc tế Trịnh Xuân Thanh, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc khả năng ông Thanh trốn ở nước ngoài (nếu có) cũng như việc dẫn độ ông Thanh từ nước ngoài về để điều tra, xử lý.
Mới đây, thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ký công văn đề nghị đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng Quyết định truy nã trong nước và quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP xây lắp dầu khí, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang). Ngày 15.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC).
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự); đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Tại sao ông Thanh đang thuộc diện tình nghi nhưng lại được xuất cảnh? Liệu việc này có đúng quy định không?...
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định tại Điều 21, Nghị định 136 năm 2007 của Chính phủ thì công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong 7 trường hợp. Đó là: “Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; Đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế; Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó; Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội và có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ”.
“Mặt khác, theo trình tự, thủ tục chưa cho công dân xuất cảnh thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh”, LS Chánh phân tích.
Theo LS Chánh, đối chiếu quy định trên thì việc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho phép ông Thanh xuất cảnh ra nước ngoài (nếu có) là đúng quy định pháp luật. Vào thời điểm xuất cảnh ông Thanh không thuộc diện “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm” vì Cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp ông Thanh trốn ra nước ngoài, theo LS Chánh, về quy định đối với trường hợp dẫn độ tội phạm, theo Điều 343, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì phải căn cứ vào các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc “có đi có lại”, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài dẫn độ một người có hành vi phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt.
Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
“Hiện nay Việt Nam có ký kết một số Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với một số quốc gia như: Liên bang Nga, Cu Ba, Lào, Hàn Quốc, Algeria, Hungari, Bungari, Ba Lan, Ukraina, Mông Cổ, Triều Tiên… Nên nếu ông Thanh bị bắt khi đang ở các quốc gia này thì việc dẫn độ sẽ áp dụng theo Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết với quốc gia đó. Còn ông Thanh hiện đang ở quốc gia chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ thì tùy quốc gia có áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại hay không? Nếu có thì việc dẫn độ sẽ thuận lợi, còn không thì khó có thể dẫn độ ông Thanh về nước để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với ông Thanh”, LS Chánh phân tích.
LS Chánh phân tích thêm, về yêu cầu Interpol truy nã ông Trịnh Xuân Thanh thì Cơ quan điều tra sẽ gửi lệnh truy nã cùng các giấy tờ pháp lý có liên quan đến Văn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát. Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế đối tượng. Tuy nhiên, việc dẫn độ tội phạm thì phải thực hiện theo các Điều ước quốc tế hoặc theo nguyên tắc “có đi có lại”, cũng như phải tuân theo quy định của pháp luật quốc gia được yêu cầu dẫn độ.
Một cán bộ điều tra nêu ý kiến riêng: Trong vụ án này, nếu hết thời hạn điều tra mà vẫn không bắt giữ được ông Thanh thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với bị can này. Nếu sau này bắt được sẽ phục hồi điều tra theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, về hành vi của các bị can còn lại trong vụ án này vẫn sẽ tiếp tục bị điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Trịnh Xuân Thanh, 50 tuổi, quê ở xã Mai Lâm, H.Đông Anh, TP.Hà Nội.
Từ 2006 - 2007 là Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng thuộc Bộ Xây dựng.
Từ năm 2007 - 2013, là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT PVC. Tháng 9.2013, ông Trịnh Xuân Thanh khi đang là Chủ tịch HĐQT PVC thì được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Tháng 2.2015, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Tháng 5.2016, ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trên cơ sở trao đổi, thống nhất giữa Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang.
Trong vụ việc để xảy ra thua lỗ lớn tại PVC, cơ quan chức năng xác định ông Trịnh Xuân Thanh có vai trò, trách nhiệm rất lớn. Trong tháng 7 và 8.2016, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kết luận về những vi phạm, khuyết điểm của ông Trịnh Xuân Thanh. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2007 - 2013, trên các cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng trong giai đoạn 2011 - 2013. Trong giai đoạn này, nhiều tổ chức, cá nhân của PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Liên quan đến vụ án này, trong ngày 15.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tiến hành bắt tạm giam và khám xét đối với 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC và 3 thuộc cấp là Nguyễn Mạnh Tiến (Phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (nguyên Phó tổng giám đốc) và Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng).
|
http://thanhnien.vn/thoi-su/tinh-huong/vu-trinh-xuan-thanh-va-quy-dinh-ve-dan-do-toi-pham-746736.html
Ngọc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét